0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

05 Dec 2022 - 8 min read

Múa rối nước - nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo

Nhắc tới Múa rối nước (hay còn được gọi là trò rối nước), người ta nghĩ tới ngay một bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với nền văn hóa Đại Việt. Không chỉ đơn thuần là điều khiển con rối trên mặt nước, loại hình này là sự kết hợp của ca, múa, nhạc, tích, diễn, hề cùng những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói, lời giáo trò, câu thoại qua lại, dàn nhạc,.... tất cả tạo thành tiết mục múa rối đặc sắc, sống động, chân thực và giàu cảm xúc.

múa rối nước

Nét đẹp văn hoá của người Việt

1. Múa rối có từ bao giờ?

Thông qua các ghi chép trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh năm 1121, thì vào thời nhà Lý, múa rối nước đã phổ biến ở nước ta. Nhìn lại một quãng thời gian dài tồn tại cũng như phát triển, múa rối nước càng ngày càng được hoàn thiện hơn, đầu tư và trau chuốt hơn để xứng tầm với danh xưng: một loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo của Việt Nam. Trải qua bao thế hệ, nghệ thuật múa rối nước vẫn luôn là kết tinh của sự tài hoa, khéo léo, thông minh của người nghệ nhân. Những năm trở lại đây, sân khấu múa rối được đầu tư hơn, đặc biệt là ở khâu hiệu ứng.

múa rối nước

Các nghệ sĩ đang hát trong rạp múa rối nước

múa rối nước

Khung cảnh làng quê Bắc Bộ được tái hiện sinh động

2. Điểm đặc biệt của múa rối nước Việt Nam

Đâu phải ngẫu nhiên mà múa rối nước trở thành một nét văn hóa gian dân độc đáo của người Việt. Điều thú vị của bộ môn nghệ thuật này được thể hiện một cách rõ ràng ngay từ tên gọi “Múa rối nước” - lấy nước làm sân khấu để biểu diễn. Mặt nước, mặt hồ, ao vừa là sân khấu, bối cảnh, vừa là nhân vật bổ trợ cho những con rối biểu diễn dưới sự điều khiển vô cùng khéo léo của những người nghệ nhân. Nếu phần trên là sân khấu thì phần dưới mặt nước chính là hệ thống máy, sào, dây được kết nối với buồng trò.

Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò thường được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng, hàng mã… Những con rối thường được làm bằng gỗ sung vì đặc tính nhẹ giúp con rối nổi trên mặt nước. Quá trình đục cốt, đẽo, gọt giũa, đánh bóng rồi trang trí đều được người nghệ nhân chú trọng bởi từng con rối - nhân vật đều có những sắc màu tính cách riêng biệt.

múa rối nước

Nhân vật chú Tiều

múa rối nước

Các tiết mục dân gian

múa rối nước

Đua thuyền

3. Cái hồn của sân khấu múa rối nước

Theo thống kê, có khoảng 30 tiết mục cổ truyền, hàng trăm tiết mục hiện đại được lưu lại trong kho tàng múa rối nước Việt Nam. Nội dung các tiết mục thường xoay quanh tích dân gian, cuộc sống sinh hoạt đời thường của người nông dân như các trò đi bừa, đi cấy, chăn vịt, đấu vật, đua thuyền, bơi chải, chèo tuồng Thị Màu lên chùa… Hay ngày nay, các đề tài trong rối nước được khai thác phong phú hơn, mở rộng hơn như nói về sản xuất, chiến đấu,.... đồng thời được đầu tư công phu, hoành tráng khi có sự góp mặt của các kỹ xảo sân khấu hiện đại.

Một buổi biểu diễn rối nước hoàn chỉnh là sự kết hợp của nhiều nghệ nhân, nào nghệ nhân sáng tác tích trò, nào nghệ nhân làm quân rối, nào nghệ nhân điều khiển con rối, nào nghệ nhân hát xướng. Dù ở vị trí nào cũng đòi hỏi kỹ năng và sự nhiệt huyết, đam mê, đồng lòng của mỗi cá nhân trong tập thể.

Bên cạnh đó, âm thanh trong múa rối nước cũng đóng vai trò quan trọng: lời ca, tiếng trống, pháo thăng thiên, mõ, tù và, pháo mở cờ,... góp phần làm tiết mục múa rối chân thực hơn, sống động hơn.

múa rối nước

Múa rối - niềm tự hào của Việt Nam

4. Trải nghiệm văn hóa múa rối tại Hà Nội

Lưu ý:

Thời gian diễn ra: khoảng 45 phút
Bạn mua vé tại điểm xem trước 30 phút
Bạn tới đúng giờ để không ảnh hưởng tới người xem khác nha.

4.1 Nhà hát múa rối Thăng Long

Được thành lập năm 1969, Nhà hát Múa Rối Nước Thăng Long là một trong những tọa độ trải nghiệm loại hình nghệ thuật múa rối nước đặc sắc này. Các tiết mục chính ở Nhà hát như sinh hoạt đời thường (làm nông, câu ếch, cáo bắt vịt,..), Lễ hội (múa rồng, múa sư tử, rước kiệu,..), cổ tích.

Địa chỉ: 57B Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Thành Phố Hà Nội.

Thời gian:

Mùa hè: 4:10 PM, 5:20 PM, 6:30 PM, 8:00 PM
Mùa đông: 3:00 chiều, 4:10 chiều, 5:20 chiều, 6:30 chiều, 8 giờ tối, 9:15 tối
Chủ nhật: 9:30 sáng
Mỗi suất múa rối nước Thăng Long sẽ kéo dài khoảng 45 phút

Giá vé:

Người lớn: Hạng ghế thứ 3 là 100.000 VND/người, Hạng ghế thứ 2 là 200.000 VND/người, hạng tiêu chuẩn 300.000 VND/người
Trẻ em dưới 1,2m: 60.000 VND/người
Phụ phí máy ảnh: 20.000 VND/máy
Phụ thu máy quay phim: 60.000 VND/máy

4.2 Nhà hát Múa rối Việt Nam

Nhà hát múa rối Việt Nam là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của Việt Nam. Nơi đây có bề dày lịch sử hình thành trên 60 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời Nhà hát cũng là nơi hội tụ của các nhà nghiên cứu, hoạ sĩ tạo hình, tác giả, đạo diễn, trang trí mỹ thuật, nghệ sĩ biểu diễn múa rối hàng đầu nước ta.

Địa chỉ: 361 Trường Chinh, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Giá vé: 80.000 VND/ vé

4.3 Nhà hát múa rối nước Bông Sen

Múa rối nước Bông Sen là địa điểm quy tụ được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm biểu diễn đến từ các vùng miền múa rối truyền thống trên cả nước.

Địa chỉ: Số 16 Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Hoàn Kiếm Hà Nội
Thời gian diễn: 14:45; 15:30; 16:00 ; 17:15; 18:30
Giá vé: Vé thường: 80.000 VND, Vé VIP: 100.000 VND
múa rối nước

Nếu có dịp, bạn hãy thử trải nghiệm xem múa rối nhé!

5. Vài fact hay về múa rối nước

Con rối làm bằng gỗ sung, mỗi con rối đều có "linh hồn" và câu chuyện riêng
Nhạc rối nước thường sử dụng các làn điệu chèo hay dân ca đồng bằng Bắc Bộ
Múa rối nước có duy nhất ở Việt Nam
Nghệ nhân "ngâm bùn lội nước" ở phía đằng sau mành cửa buồng trò để có thể điều khiển được con rối
Bác Phạm Viết Trâm của đoàn múa rối làng Đống (Đông Hưng – Thái Bình) tâm sự: “Ngày xưa, rét lắm, buồng trò phải quây kín để tránh gió. Người diễn uống vài hụm nước mắm hoặc lấy gừng sống nhai nhỏ, nuốt lấy nước còn bã xoa khắp người để chống rét. Bây giờ, thì hầu hết các phường rối nước đều đã có quần áo cao su và những cách chống lạnh riêng…”

"Từ điển" múa rối:

Thủy đình: dùng mặt nước làm sân khấu
Tâm y môn: phông che phía sau sân khấu
Khởi thủy: biểu diễn trên sân khấu ngoài trời, rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn.

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Chi
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal

Tags:
mua-roi-nuoc
traveloka-goshare
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký