0

Traveloka VN

17 May 2018 - 19 min read

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Tháng 4 âm lịch (thông thường là tháng 5 dương) là khoảng thời gian chuẩn bị vào hạ, và chúng ta chuẩn bị đón hè bằng việc bắt đầu rục rịch với những kế hoạch du lịch. Bạn nghĩ thế nào về việc “đính kèm” những lễ hội truyền thống Việt Nam đầy màu sắc và vô cùng thú vị vào chuyến đi của mình tháng 5 này?

1. Lễ hội Pháo Hoa Đà Nẵng [30.4 - 30.6.2018 DL]

Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cũng là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc. Lễ hội diễn ra vào khoảng tháng 4 (dương lịch) hàng năm sẽ lại đón chào hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước về để tham dự, và được xem như một trong những sự kiện được mong chờ nhất tại thành phố này.
Thông thường, lễ hội pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức vào dịp lễ lớn của đất nước 30/4 và 1/5, để du khách vừa kết hợp kỳ nghỉ của mình vừa có thể hòa mình vào không gian lễ hội đầy tính nghệ thuật và náo nhiệt.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Hàng ngàn lượt khách tụ hội về Đà Nẵng trong lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm @baomoi

Lễ hội với sự tham gia của rất nhiều quốc gia trên thế giới, với những “chuyên gia” về pháo hoa như Trung Quốc, Ý, Pháp… với tinh thần giao hữu, thể hiện những nét đẹp văn hóa rất riêng trong cuộc sống và đời sống tinh thần của mỗi đất nước, qua đó mong ước hòa bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Những màn trình diễn pháo hoa đầy đặc sắc tại lễ hội Đà Nẵng năm 2017. @internet

Gợi ý cho các bạn một vài địa điểm có thể ngắm được pháo hoa đẹp nhất tại thành phố này: cầu sông Hàn (hoặc các vị trí cao rải rác hai bên bờ sông Hàn), đường Bạch Đằng hoặc đường Trần Hưng Đạo (nhưng lưu ý là các con đường này sẽ cấm xe vào chiều tối trong thời gian bắn pháo hoa nhé), bãi biển…

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Pháo hoa được mệnh danh là nghệ thuật trong khoảnh khắc, và có lẽ đây cũng chính là nét thu hút và quyến rũ của riêng chúng @baodanang

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng còn có các sân khấu ca nhạc đặc sắc quy tụ các ca sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài nước, hoạt động thả đèn hoa đăng từ cầu Thuận Phước đến tận cầu Rồng…

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Ngắm pháo hoa từ bờ sông @internet

Đà Nẵng vốn là một thành phố công nghiệp hiện đại với sự phát triển cao về du lịch và nghỉ dưỡng, nên đây chắc chắn là một gợi ý trên cả tuyệt vời cho kỳ nghỉ của bạn. Hãy lên lịch cùng bạn bè hoặc người thân để tận hưởng một chuyến đi trọn vẹn, ý nghĩa và “mát mắt” vì vẻ đẹp của những màn trình diễn pháo hoa quốc tế nhé!

2. Lễ hội Carnaval Hạ Long [28.4 DL]

Lễ hội Carnaval Hạ Long thường được tổ chức vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 hàng năm, là một dịp lễ diễu hành đường phố đặc sắc mang đậm hơi thở và nét riêng của thành phố biển này. Tại đâycó những chủ đề chứa đựng các thông điệp khác nhau vào mỗi năm, và sau nhiều năm đã dần trở thành một “thương hiệu” du lịch của không chỉ riêng Hạ Long mà còn là của cả tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Carnaval Hạ Long đã trở thành một điểm nhấn du lịch hàng năm của thành phố Hạ Long @qnq

Đến với Carnaval Hạ Long vào thời điểm này, các bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội, biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu và đường phố, đồng thời có thể khám phá, tận hưởng và giới thiệu tới bạn bè trong và quốc tế về vùng đất, con người Quảng Ninh và vịnh Hạ Long.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Rất nhiều du khách kéo về Quảng Ninh trong suốt thời gian diễn ra Carnaval Hạ Long @baoquangninh

Các bạn có thể kết hợp chuyến du lịch của mình với việc tham gia Carnaval, điển hình là các hoạt động: đi tàu tham quan vịnh và các hang động thạch nhũ ở Hạ Long, tận hưởng nắng vàng trên bãi biển, thưởng thức hải sản và các đặc sản Quảng Ninh…

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Nét đẹp ban sơ có phần huyền bí và không thể cưỡng lại của vịnh Hạ Long @diemthamquan

3. Lễ hội Gióng – Hà Nội [6 – 12/4 AL]

Hiện nay, rất nhiều khu vực ở Bắc bộ thờ phụng và tổ chức lễ thường niên tưởng nhớ Đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng. Tiêu biểu có thể kể đến: làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nơi Đức Thánh Gióng ra đời, Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nơi Thánh Gióng hóa thân…
Và vào tháng 4 âm lịch, cụ thể là từ ngày 6 đến ngày 12, lễ hội Gióng sẽ được tổ chức tại làng Phù Đổng (tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), với những nét đặc sắc văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay.

Lễ hội Gióng Sóc Sơn - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Hội Gióng và những nét đặc sắc văn hóa dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền cho đến tận ngày hôm nay. @zing.vn

Lễ hội Gióng là một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam mở đầu với lễ tế thánh, lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người dân địa phương và cả du khách, người phương xa về tụ hội, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng và lòng đoàn kết của dân tộc. Và nghi thức lễ rước này sẽ diễn ra vào chính ngọ (giữa trưa) chứ không thực hiện vào buổi sáng như ở các lễ hội thông thường.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Nghi thức rước trong hội Gióng. @Internet

Sau nghi thức rước sẽ là hoạt động “đánh cờ” như một cách tái hiện và phục dựng trận chiến lúc xưa của Thánh Gióng và giặc Ân, bao gồm ba trận với hai hội trận ở bãi Đống Đàm và Soi Bia. Hai hội trận này tập trung tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc Ân và giành chiến thắng. Đội binh sẽ gồm có: phường Áo đỏ, hai ông hiệu Tiểu cổ, phường Áo đen, ông Hổ, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Trung Quân.
Màn “đánh cờ” thứ ba kết thúc cũng đồng nghĩa quân ta đã thắng lợi, các tướng giặc rời kiệu xin hàng. Đội quân Thánh Gióng trở về đền Thượng mở tiệc khao quân, mừng chiến thắng.

Lễ hội Gióng Sóc Sơn - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Hội Gióng chính là hoạt động lưu truyền và chứa đựng rất nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống của dân tộc. @Internet

Bên cạnh nghi lễ truyền thống, Hội Gióng làng Phù Đổng còn thường có tổ chức các chương trình văn nghệ Tuồng, Chèo, Cải Lương..., các trò chơi dân gian và hoạt động thể thao, tiêu biểu là cờ tướng. Năm 2011 lễ hội Gióng đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

4. Hội chùa Dâu – tỉnh Bắc Ninh [8/4 AL]

Hội Dâu hàng năm được tổ chức tại chùa Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ) vào ngày 8 tháng 4 (âm lịch) cũng chính là ngày Phật Đản (ngày sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni). Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam và hội chùa Dâu được mở mục đích chính là để cầu cho mưa thuận gió hòa và cuộc sống bình yên, phước lành.

Lễ hội chùa Dâu Bắc Ninh - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Toàn cảnh chùa Dâu - Bắc Ninh. @Internet

Các nghi thức trong hội Chùa Dâu gồm có: rước Tứ Pháp về chùa (chính là các vị thần Mây, Sấm, Chớp, Mưa) diễn ra vào buổi sáng; buổi đêm sẽ có lễ rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây nhằm mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Nghi thức rước Tứ Pháp về chùa @goccongso

Đặc biệt hội chùa Dâu còn có cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Thực chất đây chỉ là một tục bói nhằm dự đoán xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

5. Hội đình Bình Thủy – TP. Cần Thơ [14 - 15/4 AL]

Hồi đình Bình Thủy (hay còn gọi là lễ Thượng Điền) thường được tổ chức vào hai ngày 14 và 15 tháng 4 âm lịch hàng năm tại đền Bình Thủy (nằm trên đường Lê Hồng Phong, Tp. Cần Thơ), để cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới – đây có thể xem như một dịp hội gắn liền với phong tục và đời sống sản xuất nông nghiệp của địa phương này.

Lễ hội đền Bính Thủy - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Đền Bính Thủy - Cần Thơ. @Internet

Hội đình thường bắt đầu bằng là lễ Túc Yết (cúng tế các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình), sau sẽ đến lễ Chánh Tế (đọc văn tế ca ngợi thần linh, các bậc tiền hiền, hậu hiền…).

Lễ hội đền Bính Thủy - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Nghi thức trong hội đình Bình Thủy. @internet

Phần hội của hội đình Bình Thủy cũng diễn ra vô cùng sôi nổi với các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật...

6. Lễ hội cầu Ngư – tỉnh Quảng Bình – 14/4AL

Lễ hội cầu ngư là một lễ hội truyền thống nhằm cầu tài, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa cho nhân dân xã Bảo Ninh, huyện Đồng Hới – một cù lao nằm dọc bờ biển Nhật Lệ, được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng tư âm lịch tại địa phương.

Lễ hội cầu ngư Quảng Bình - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Nghi thức lễ trong hội cầu ngư tỉnh Quảng Bình. @Internet

Đây là một lễ hội thể hiện văn hóa tín ngưỡng của đồng bào vùng biển, mang đậm tính chất lễ hội dân gian và đặc trưng văn hóa của những con người duyên hải. Lễ hội cầu ngư tỉnh Quảng Bình cũng sẽ có các nghi thức lễ: các nghi lễ Rước văn, nghi lễ Vớt bạc, sau đó đến phần chính lễ (nghi thức rước “Ngài”).

Lễ hội cầu ngư Quảng Bình - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Lễ hội thể hiện văn hóa tín ngưỡng của đồng bào vùng biển. @Internet

7. Lễ Phật Đản [15/4 AL]

Nếu bạn là một Phật Tử thì chắc chắn nhắc đến tháng 4 âm lịch, bạn sẽ nhớ đến lễ Phật Đản đầu tiên trong số những sự kiện lễ, hội truyền thống ở Việt Nam. Lễ Phật Đản diễn ra vào ngày rằm tháng tư (15/4 âm lịch) hàng năm, nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh – cũng chính là ngày Thái tử Tất Đạt Đa được hoàng hậu Maya hạ sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni.

Lễ hội Phật Đản - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Lễ hôi Phật Đản là lễ hội quan trọng của Phật tử. @Internet

Đây không phải một lễ hội truyền thống Việt Nam thông thường, hay là một lễ hội riêng của một địa phương cụ thể. Ngày Phật Đản là một ngày lễ quan trọng của Phật Giáo và các chư tăng ni phật tử. Chính lễ sẽ diễn ra vào ngày Rằm tháng 4 (AL), bên cạnh các nghi thức khác như nghi thức tắm phật, thả hoa đăng trên sông, nghe giảng thuyết pháp… và ở các chùa, nghi thức có thể sẽ khác đi vài đôi chút tùy vào từng địa phương.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Lễ Phật Đản là một ngày lễ lớn, vô cùng quan trọng trong Phật Giáo nói riêng, và đối với đời sống tâm linh của con người Việt Nam nói chung. @giacngo

Lễ Phật Đản là một ngày đại lễ đối với không chỉ riêng Phật Giáo và các Phật tử mà còn là một dịp lễ hội lớn trong đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Vì có rất nhiều người, dù không theo đạo, nhưng đến ngày Phật Đản vẫn đến chùa để nguyện cầu bình an, ăn chay hướng thiện, cúng dường, hay chỉ là để tìm kiếm sự thanh thản, bình yên cho tâm hồn.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Nghi thức tắm Phật là một trong những nghi lễ trang nghiêm, trọng điểm, thể hiện lòng thành của người Phật tử trong ngày đản sanh. @internet

8. Lễ hội Chol Chnam Chmay – An Giang [13 – 15/4 DL]

Lễ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới”, hay còn được gọi là “Tết năm mới” hoặc “Lễ chịu tuổi” - là lễ Tết lớn nhất trong năm của người Khmer ở đồng bằng Nam Bộ. Lễ hội truyền thống Việt Nam này thường kéo dài 3 ngày theo lịch Chétt (lịch Khmer), từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 dương lịch tại những khu vực có cư dân Khmer sinh sống, tiêu biểu nhất có lẽ là tỉnh An Giang.
Vì thời điểm này chính là lúc cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống, nên người Khmer cho rằng đây chính là sự khởi đầu của một năm mới, gọi là Chôl Chnăm Thmây.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là một nét đẹp văn hóa của người Khmer ở đồng bằng Nam Bộ @langmanmientay

Thông thường, Tết Chol Chnam Chmay được tiến hành theo phong tục của người Khmer Nam bộ trong ba ngày theo những nghi lễ: lễ rước lịch “Maha Sangkran” (diễn ra vào giờ tốt (đã chọn) trong ngày 13, vị Acha hướng dẫn mọi người xếp hàng đi quanh chính điện làm lễ, sau đó mọi người lễ Phật tụng kinh mừng năm mới), lễ dâng cơm cho sư sãi (diễn ra vào buổi sáng ngày 14, các Phật Tử lên chùa lạy Phật, dâng cơm mời các nhà sư, đồng thời được các sư sãi làm lễ chúc phúc), lễ đắp núi cát (chiều ngày 14 – mọi người cầm một nắm cát sạch lên chùa đắp thành ngọn núi nhỏ ở chín hướng, tượng trưng cho cho vũ trụ và trung tâm của thế giới), lễ quy y cho núi, lễ xuất thể…

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Chuẩn bị làm lễ rước Phật trong ngày tết Chol Chnam Chmay @bptv

Ngày thứ 3 sẽ diễn ra lễ tắm Phật, với nghi thức dùng nước tinh khiết có ướp nước hoa, sau đó dùng nhành hoa vẩy lên tượng Phật. Sau ba ngày lễ Tết, đồng bào Khmer lại quay về cuộc sống bình thường và sẵn sàng bước vào vụ mùa mới.Bên cạnh phần nghi lễ, Tết Chol Chnam Chmay còn có rất nhiều các hoạt động vui chơi giải trí khác, có thể kể đến: múa dù-kê, rô-băm, lâm-thôl... vô cùng sôi nổi và thú vị.

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Trình diễn múa truyền thống trong ngày tết Chol Chnam Chmay @nhandan.org

9. Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ - An Giang [23 – 27/4 AL]

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) hàng năm sẽ diễn ra vào đêm 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ (phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ hàng năm không chỉ là lễ hội địa phương, mà còn là một sự kiện văn hóa, tâm linh quan trọng trong đời sống của rất nhiều người đến từ mọi nơi trên đất nước, về đây dự hội @internet

Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà (diễn ra vào nửa đêm 23 cho đến rạng sáng 24 – là nghi thức lau bụi, thay áo mão cho tượng Bà; bộ phục cũ của Bà sẽ được cắt nhỏ phân phát cho người đi hội và được xem như một lá bùa hộ mênh may mắn); Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà (nghi thức thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại – người đã có công khai phá vùng đất này, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng từ lăng Thoại Ngọc Hầu ở đối diện miếu Bà, thường diễn ra vào chiều ngày 24).

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà. @Internet

Ngoài ra còn có lễ Túc Yết (lễ rước phẩm vật cúng gồm một con heo trắng, một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối, diễn ra vào 0 giờ đêm 25). Lễ xây chầu (ông chánh bái sẽ vẩy nhành dương nhúng nước xung quanh, sau đó đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá" để khai hội hát bộ với các tuồng thường được diễn là: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương...) và Lễ Chánh tế (nghi thức tương tự cúng “túc yết”, diễn ra vào 4 giờ sáng ngày 26).

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ - Lễ hội truyền thống Việt Nam

Tượng bà Chúa Xứ trong nghi lễ tắm Bà. @internet

Phần hội của lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ cũng vô cùng đặc sắc, với các màn trình diễn nghệ thuật dân gian bắt mắt và độc đáo, như: múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén...

Note ngay các lễ hội truyền thống Việt Nam trong tháng 4 âm lịch

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ ở An Giang là một trong những sự kiện văn hóa tâm linh và du lịch đặc sắc của Việt Nam nói chung và của miền Tây Nam Bộ nói riêng. @internet

Trong mỗi chuyến du lịch ngoài những cảnh đẹp, những điểm check-in sống ảo siêu lung linh thì đáng giá hơn cả là những nét văn hóa, giá trị truyền thống đặc sắc. Kết hợp du lịch với việc tham gia những lễ hội truyền thống Việt Nam siêu ý nghĩa này, chuyến đi của bạn sẽ càng tuyệt vời hơn đấy.

Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký