0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

09 Sep 2022 - 13 min read

Bức tranh sắc màu Trương Dịch

Trương Dịch là Cam Châu - thị trấn quan trọng ở hành lang Hà Tây trong thời kỳ con đường tơ lụa cổ đại, các thương nhân từ Trường An tới Đôn Hoàng sẽ đi qua Cam Châu. Vùng đất này từng là trung tâm thương mại quan trọng trong triều đại nhà Tùy và nhà Đường. Trương Dịch ngày nay là một thành phố phát triển hiện đại và rất nổi tiếng với địa mạo Đan Hà với những ngọn núi màu sắc được mệnh danh là núi cầu vồng. Tuy nhiên, Trương Dịch còn rất nhiều điểm tham quan rất độc đáo khác đang chờ bạn khám phá.

 Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Trương Dịch là nơi có nhiều điểm tham quan độc đáo

Chùa Đại phật

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Bức tượng Phật nằm lớn nhất Trung Quốc ở Trương Dịch

Chùa Đại Phật được xây dựng vào năm 1098 trong triều đại Tây Hạ. Trong hơn 900 năm tồn tại, nó đã được trùng tu nhiều lần trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Chùa Đại phật nổi tiếng bởi tượng Phật nằm lớn nhất Trung Quốc với chiều dài 34,5m, vai tượng 7,5m, chân 5,2m, một ngón tay của đức Phật thôi cũng đủ để một người nằm trên đó. Tượng Phật được làm bằng đất sét, mô tả lại đức Phật trong tư thế niết bàn, đằng sau ngài là mười đệ tử. Đôi mắt của ngài khép hờ, khuôn mặt bình thản, nụ cười hiền hòa rất sinh động.

Chùa Đại Phật là một nơi rất đáng ghé thăm để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo thời cổ đại. Chùa bảo quản hơn 6.000 tác phẩm kinh điển của Phật giáo và nhiều bức tranh tường kể về các truyền thuyết nổi tiếng và câu chuyện trong Tây Du Ký. Nơi này còn cất giữ các bộ kinh cổ hết sức quý giá, có bộ kinh được viết bằng bột vàng và bạc mà tới tận ngày nay chúng ta vẫn có thể đọc được.

Chùa hang đá Mã Đề

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Mã Đề là ngôi chùa Phật giáo được tạc thẳng vào núi đá

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Thiên Phật động là ngôi chùa của người Hán, được xây dựng vào thời nhà Nguyên

Nằm cách trung tâm thành phố Trương Dịch 70km là Mã Đề - ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng được đục khoét sâu vào núi đá cheo leo. Lúc nhìn thấy Mã Đề, tôi đứng hình cả một phút, không tin nổi vào mắt mình khi thấy ngọn núi đá cao vút thế kia lại có thể chứa được cả một ngôi chùa bên trong lòng nó. Không ai biết và cũng gần như không còn tài liệu nào ghi chép lại để biết chùa được xây dựng từ khi nào, nhưng Mã Đề đã xuất hiện trong khá nhiều các tác phẩm của nhiều nhà thơ từ thời Đông Tấn (317–402), vì vậy, Mã Đề có thể đã được xây dựng cách đây 1.600 năm. Truyền thuyết kể rằng, chùa được xây dựng trên dấu chân ngựa thần của King Gesar – vị anh hùng trong truyền thuyết của người dân Tây Tạng, người đánh bại ma quỷ và đem lại cuộc sống bình an cho dân chúng

Quần thể chùa Mã Đề được chia ra làm ba khu chính gồm: hang đá 33 tầng trời, lối lên các tầng ngoằn ngoèo, chật hẹp và chỉ đủ cho một người vóc dáng nhỏ bé luồn lách; điện thờ vua Gesar xuyên qua một quả núi, bên trong điện là hai hàng tượng vua Gesar và 36 vị tướng dưới quyền của ngài đang cưỡi ngựa, cầm các loại vũ khí trong tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến và Thiên Phật động là ngôi chùa của người Hán, được xây dựng vào thời nhà Nguyên (1271 – 1368).

Núi cầu vồng (Thất Thải Đan Hà)

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Núi cầu vồng có đủ các gam màu nâu, xám, đỏ nhạt, đỏ đậm, cam, vàng

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Đan Hà đặc biệt đẹp dưới ánh hoàng hôn

Đan Hà được hình thành từ kỷ Phấn Trắng. Khoảng 100 triệu năm trước, khi những dòng sông đầy phù sa bị khô hạn, lớp trầm tích ở đây bị oxy hóa, tạo thành màu rỉ sét. Khoảng 30 triệu năm sau đó, biến đổi địa chất tiếp tục tạo nên một lớp đá sa thạch và các khoáng chất khác như canxi, sắt, oxit, cát... Ngoài ra, các mảng kiến tạo của Trái Đất, sự va chạm của các lục địa và gió, mưa lũ đã góp phần tạo nên những dãy núi rực rỡ như bây giờ.

Đứng ở núi cầu vồng, tôi vẫn không giải thích được vì sao thiên nhiên lại kỳ diệu như thế, vì sao những biến đổi địa chất hàng vạn năm có thể tạo ra những dãy núi có màu sắc kỳ ảo đến vậy? Núi cầu vồng có đủ các gam màu nâu, xám, đỏ nhạt, đỏ đậm, cam, vàng. Đan Hà đặc biệt đẹp dưới ánh hoàng hôn, ánh sáng vàng đỏ cuối ngày khiến cho màu sắc ở đây sắc nét cực điểm. Dường như cả Đan Hà đang sáng bừng lên, đẹp lộng lấy khiến ai cũng phải trầm trồ.

Băng Câu Đan Hà

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Băng Câu Đan Hà mới được phát hiện vào năm 2014

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Băng Câu Đan Hà là quần thể những tác phẩm điêu khắc đá tự nhiên độc đáo và sinh động.

Băng Câu Đan Hà được coi là chị em với núi cầu vồng, nhưng do mới được phát hiện vào năm 2014 và không được truyền thông rầm rộ nên rất ít du khách biết đến nơi này, Băng Câu bị lu mờ trước địa danh núi Cầu vồng nổi tiếng. Băng Câu Đan Hà là quần thể những tác phẩm điêu khắc đá tự nhiên độc đáo và sinh động. Có hàng trăm tảng đá với hình thù khác nhau như “cột Âm Dương”, “thần Trấn Vũ”, “hòn vọng phu” – hai cột đá tượng trưng cho mẹ và con trai đang ngồi trên đỉnh núi ngóng chồng đi chiến trận trở về trong đó nổi tiếng nhất là hai tảng đá có hình lạc đà và bảo tàng Louvre. Đứng trên điểm ngắm cảnh cao nhất của Băng Câu, bạn sẽ nhìn thấy dãy núi Kỳ Liên ở phía xa. Vào mùa đông, khi những dãy núi phủ đầy tuyết trắng thì những tảng đá màu đỏ cam ở Băng Câu càng trở nên rực rỡ, tạo ra một khung cảnh rất ấn tượng.

Hẻm núi Bình Sơn (Pingshan Canyon)

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Hẻm núi Bình Sơn là những ngọn núi đá được hình thành từ kỷ Cambri màu đỏ rực rỡ

Hẻm núi Bình Sơn nằm cách Trương Dịch 56km, hẻm nủi là những ngọn núi đá hình nón và hình cột được hình thành từ kỷ Cambri màu đỏ rực rỡ dưới nền trời xanh. Bạn có thể đi bộ trên đường tham quan chính để ngắm toàn cảnh và tới các viewpoint để chụp ảnh. Thú vị nhất ở hẻm núi này là đi xuống tận thung lũng bên dưới và đi bộ (hiking) xuyên qua các hẻm núi. Nếu không muốn đi bộ bạn có thể thuê lạc đà.

Kinh nghiệm du lịch

Thời gian đẹp nhất

Thời gian đẹp nhất để tới tham quan Trương Dịch là từ tháng 4 đến tháng 11 – lúc này, thời tiết mát mẻ, nhiều nắng. Băng Câu, Thất Thải Đan Hà vào mùa đông rất lạnh, có băng tuyết, đường khá trơn trượt. Vì vậy, bạn cần chú ý mặc quần áo đủ ấm và đi giày chống trượt.

Phương tiện di chuyển

Máy bay: Bạn có thể đi máy bay từ Tây An, Đôn Hoàng, Lan Châu, Gia Dụ Quan hoặc từ bất kỳ thành phố nào khác bằng máy bay, tàu hỏa, xe bus tới Trương Dịch.

Tàu hỏa: Nếu chọn đi tàu, bạn hãy kiểm tra kỹ loại tàu mình sẽ đi là tàu thường hay tàu cao tốc, vì hai tàu này sẽ dừng ở hai ga khác nhau – ga phía Tây dành cho tàu cao tốc, và ga Trương Dịch dành cho tàu thường. Thời gian di chuyển vào thành phố cũng sẽ theo đó mà dài hoặc ngắn hơn.

Vé máy bay, tàu hỏa, thuê xe, đưa đón sân bay, mua tour có thể đặt trên trang web https://www.trip.com hoặc https://www.chinahighlights.com/ Hai trang web này đều có giao diện tiếng Anh, nhiều sự lựa chọn, giá cả hợp lý, thanh toán được bằng thẻ tín dụng, vé sẽ được gửi vào email. Bạn cũng có hoàn vé, thay đổi thông tin trên trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại.

Xe bus: Thất Thải Đan Hà cách trung tâm thành phố hơn 50km, Băng Câu cách trung tâm thành phố 40km, cách Thất Thải Đan Hà 17km. Từ trung tâm thành phố, bạn có thể đi xe bus hoặc bắt taxi/thuê xe riêng nếu đi đông người. Xe bus công cộng chạy từ trạm xe buýt Trương Dịch tới núi Cầu Vồng, Băng Câu từ 7 giờ sáng – 5 giờ chiều. Thời gian xe chạy khoảng một tiếng, và giá vé khoảng 12 tệ/người/vé một chiều (tương đương với 40.000 VND). Lưu ý rằng, sau khi mua vé xong, bạn phải chú ý tìm đúng cổng ra và vị trí xe đỗ. Nếu không biết tiếng Trung, bạn hãy cài sẵn các ứng dụng phiên dịch, chọn chế độ dịch bằng hình ảnh để dịch thông tin trên vé.

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Bạn sẽ phải di chuyển bằng bus của công viên tại Đan Hà

Ở Visitor Center tại Thất Thải và Băng Câu sẽ có xe buýt đưa bạn tới địa điểm tham quan. Bạn có thể dừng lại ở từng địa điểm bao lâu tùy thích, sau đó bắt xe buýt tới điểm kế tiếp. Trong công viên, bạn có thể đi bộ khám phá, nhưng lưu ý chỉ đi trên hành lang có biển chỉ dẫn, không cố tình trèo lên các vách đá hay rời khỏi đường mòn.

Từ Trương Dịch không có xe bus chạy thẳng tới Mã Đề, bạn phải đổi xe vài lần, nên cách thuận tiện nhất là thuê taxi hoặc xe riêng đi về trong ngày. Bạn có thể đến Mã Đề vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm, nhưng đẹp nhất là vào mùa thu – khi thảo nguyên, cây cối chuyển sang màu vàng, đỏ.

Từ Trương Dịch tới hẻm núi Bình Sơn có duy nhất 1 chuyến xe bus công cộng ở bến xe Zhangye Bus West Station, giá vé 14 tệ/người (tương đương với 50.000VND), khởi hành lúc 9h45, giờ về là 16h40.

Khung giờ chụp ảnh đẹp nhất

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Những dãy núi trùng điệp ở Băng Câu Đan Hà

Bình minh:

+ Mùa xuân – hè (từ tháng 5 đến tháng 9): từ 5:30 đến 7:00 sáng.

+ Mùa thu – đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau): từ 7:00 đến 8:30 sáng.

Hoàng hôn:

+ Mùa xuân – hè (từ tháng 5 đến tháng 9): từ 19:00 đến 20:00.

+ Mùa thu – đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau): từ 18:00 đến 19:00.

Lưu trú

- Bạn có thể tìm khách sạn, hostel phù hợp với kinh phí và yêu cầu của mình ở Trương Dịch qua các trang web đặt phòng như Traveloka, Booking.com, Agoda, Trip.vn….Giá phòng dao động từ 25–100 USD/phòng đôi (tương đương 580.000 - 2.300.000VND).

- Nếu bạn biết tiếng Trung bạn có thể tìm khách sạn bằng tiếng Trung rồi gọi điện, chat qua ứng dụng wechat hoặc email trao đổi trực tiếp. Ngoài hỏi về giá phòng bạn cũng có thể hỏi thêm các thông tin khác như dich vụ cho thuê xe giá rẻ, tư vấn ăn uống, đi lại…

Ẩm thực

Trương Dịch có rất nhiều món ăn thường thấy ở Trung Quốc như bánh bao, dimsum, gà xào cay, các loại mì… Tuy nhiên, bạn nên thử hai món ngon của Trương Dịch ở dưới đây nhé:

Mì bò: mì tươi cắt nhỏ ăn vớt thịt bò nạm thái miếng to, nước dùng là nước hầm xương bò pha gia vị tê nồng, mì được ăn kèm với bắp cải muối chua nên không bị ngán và rất ngon.

Con đường tơ lụa - Trương Dịch

Mì bò tươi ở Trương Dịch

Gluten: được làm từ bột và nước được khuấy rất lâu cho đến khi tinh bột kết tinh lại thành gluten tươi. Gluten tươi được nhào cho đến khi bột dẻo lại rồi cắt thành từng miếng đem phơi khô. Khi khô, gluten có kết cấu như miếng bọt biển nên khi đem nấu ăn sẽ rất thấm gia vị. Gluten thường được xào với rau cải, nấu canh bí ngô, hầm với thịt gà…

Lưu ý:

Ở các địa điểm đi chơi tại Trương Dịch chỉ có hàng quán ở bên ngoài, khi bạn đã vào bên trong các công viên thì sẽ không có nữa. Vì vậy, nếu bạn tham quan hẻm núi Bình Sơn, ở Băng Câu hay Thất Thải Đan Hà nguyên ngày thì phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống mang theo.

Bài viết hợp tác giữa Traveloka và blogger Trần Hồng Ngọc.
Bản quyền nội dung và tất cả hình ảnh trong bài viết thuộc sở hữu của Traveloka. Vui lòng không sao chép hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự đồng thuận của Traveloka.

Tags:
con-duong-to-lua-truong-dich
traveloka-goglobal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký