0

Traveloka VN

07 Feb 2019 - 15 min read

Những trải nghiệm “sống như một người Huế chính hiệu” khi tới cố đô

Người ta bảo năm tháng cuộc đời không được đo bằng số tuổi họ sống mà là những trải nghiệm mà họ có. Trải nghiệm ấy đến từ cuộc sống, tình yêu, công việc,... và có lẽ mạnh mẽ hơn cả, thú vị hơn cả là những trải nghiệm trong chuyến đi tới một vùng đất mới. Những ngày ghé mảnh đất cố đô Huế, không cần thắc mắc "Đến Huế nên đi đâu" vì chúng tớ đã có những trải nghiệm “sống như một người Huế chính hiệu” khi được các bạn “thổ địa” ở thành phố dẫn đi tham quan.

Trải nghiệm "sống như người Huế chính hiệu".

Là một thành phố thuộc miền Trung của đất nước, Huế là mảnh đất cố đô bình yên, thơ mộng mà ai ai cũng muốn được đặt chân tới Huế một lần, và nhớ cả đời cái xứ nắng mưa khắc nghiệt mà vẫn chan chứa màu sắc trữ tình đó.

Huế là từng là kinh đô trong suốt chiều dài lịch sử bởi vị thế “rồng chầu hổ phục”, chả vậy mà Huế ngày này mang nét trầm mặc, cổ kính được thể hiện qua công trình lăng tẩm, đền đài. Huế là những câu hò ví dặm “ôm” trong đó cả tâm hồn của người Huế. Huế là sự giao thoa giữa tâm linh và đời thực, Huế là giọng nói “dạ, thưa” vừa dịu dàng, vừa dễ thương tới say lòng… May mắn làm sao khi 3 ngày ở Huế, chúng tớ có những trải nghiệm rất thú vị mà không phải ai cũng biết đâu nhé!

1. “Thở” cùng cầu Tràng Tiền buổi sáng sớm

Nếu Hà Nội có cầu Long Biên bắc ngang qua dòng sông Hồng thì Huế có cầu Tràng Tiền - cây đầu tiên được bắc ngang qua sông Hương. Cầu Tràng Tiền - biểu tượng của Huế - từ lúc khai sinh cho đến tận bây giờ trải qua nhiều tên gọi khác nhau như cầu Thành Thái, rồi Clelesmenceau, Nguyễn Hoàng, cầu Tràng Tiền… nhưng nhiều dân Cố đô vẫn quen gọi là cầu Trường Tiền.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Ngắm bình minh trên cầu.

Không chỉ là điểm kết nối giao thông giữa các con phố, cầu Tràng Tiền còn là một điểm tham quan hấp dẫn trong chuyến du lịch Cố đô Huế. Sáng sớm, chúng tớ đã tản bộ trên cầu. Nếu bạn đã quen với hình ảnh những nhánh hoa phượng đỏ khoe sắc soi bóng xuống mặt sông thì buổi sáng trên cầu Tràng Tiền lại có những diện mạo khác.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Nhịp cầu yên ả.

Đó là 6 giờ sáng, những người dân xung quanh khu vực đi tập thể dục trên cầu, vừa đi vừa nói chuyện với nhau rôm rả. Đó là 6 giờ 30 sáng, cây cầu minh chứng lịch sử đón ánh nắng đầu tiên của ngày mới khi mặt trời mọc sau tòa nhà cao tầng, nhịp cầu cong uốn lượn trên nền nước xanh màu lục biếc Hương Giang như trở nên rực rỡ hơn dưới ánh bình minh. Đó là cây cầu nhộn nhịp những chiếc xích lô, xe đạp, xe thồ,... của những người lao động buổi sớm, hình ảnh chồng chở vợ trên chiếc xích lô với mớ hàng hóa.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Phương tiện chính của người lao động.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Chiếc xe “chở”cả cuộc đời.

Đó là những quán cà phê dưới chân Tràng Tiền mà các cô, các bác, các chú ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm ngon sau khi đi tập thể dục về. Chúng tớ đã chọn một quán và ngồi thưởng thức cà phê trong khung cảnh sông Hương, cầu Tràng Tiền thơ mộng, khi ấy tớ có cảm giác mình đang hòa vào nhịp sống của người dân xứ Huế.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Khung cảnh mới “tình” làm sao!

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Cà phê cà pháo.

đến huế nên đi đâu-cầu tràng tiền-cầu trường tiền

Chiếc bàn đá.

Tới Huế, hãy thử một lần “thở” cùng cầu Tràng Tiền vào lúc sáng sớm, bạn nhé:

“Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp Anh qua không kịp, tội lắm em ơi Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà xa”
-

2. Tìm về bình yên ở Cầu ngói Thanh Toàn

Địa chỉ:Tọa lạc tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế,cách trung tâm thành phố khoảng 8 km.

Bạn tớ sống ở Huế, mỗi lần mệt mỏi với guồng quay cuộc sống cơm áo gạo tiền, bạn lại chạy xe tới cầu ngói Thanh Toàn. Bạn bảo cây cầu nằm trong ngôi làng này là một ốc đảo bình yên mà chỉ cần đặt chân tới, bao muộn phiền đều tan biến. Cầu ngói Thanh Toàn - công trình được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) - bắc qua một con sông nhỏ nằm cuối đoạn của sông Như Ý chảy xuyên suốt, uốn lượn mềm mại từ đầu làng đến cuối làng. Đây là cây cầu được mệnh danh là cây cầu cổ thuộc vào loại hiếm, có giá trị nghệ thuật cao nhất ở Việt Nam.

đến huế nên đi đâu-cầu ngói thanh toàn

Cảnh đẹp như một bức tranh.

đến huế nên đi đâu-cầu ngói thanh toàn

Cầu cổ kính.

đến huế nên đi đâu-cầu ngói thanh toàn

Công trình được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều".

Gửi xe phía bên ngoài chợ, chúng tớ đi bộ một đoạn vào cầu. Bước vào bên trong cây cầu gỗ 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ, chúng tớ ngồi nghỉ ngơi ở phía lan can có tựa lưng. Cầu ngói cổ kính, rêu phong hằng in dấu ấn thời gian đã chứng kiến biết bao thăng trầm của người dân ở làng. Đi qua cầu, bạn sẽ bắt gặp một cây cột bê tông dựng đó để đo mức lũ các năm.

đến huế nên đi đâu-cầu ngói thanh toàn

Một góc cầu ngói.

đến huế nên đi đâu-cầu ngói thanh toàn

Thuyền ai đậu bến?

Tới Huế, hãy một lần tìm về Cầu Ngói Thanh Toàn để thấy lòng mình an yên hơn bao giờ hết:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn Cho em về với 1 đoàn cho vui”
-

3. Hành hương tới chùa Thiên Mụ linh cổ kính nhất Huế

Địa chỉ: Nằm ở đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km.

Chùa Thiên Mụ là một ngôi chùa linh thiêng và là một thắng cảnh đẹp không thể bỏ qua khi đặt chân đến thủ đô cổ xưa này. Tọa lạc bên bờ Hương Giang thơ mộng, chùa mang kiến trúc một cung điện của vua chúa, quan lại ở Huế cổ xưa và được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Chùa Thiên Mụ nổi tiếng bậc nhất xứ Huế.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Từ chùa nhìn ra dòng Hương Giang.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Ngôi chùa linh thiêng là một địa điểm nhất định phải đến, dù cho bạn có biết hay chưa biết đến Huế nên đi đâu hay chưa.

Ở chùa có tháp Phước Duyên, tháp cao 21 m với hình dạng bát giác và có bảy tầng, mỗi tầng trong đó là dành cho một vị Phật khác nhau. Khuôn viên của chùa được trồng nhiều các loại cây hoa khác nhau, phía sau chùa, sát với Mộ tháp của cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu là một rừng thông thẳng tắp giữa nền trời xanh. Chúng tớ có một chuyến hành hương, vừa để lễ Phật, vừa để tìm về với phần sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Đồng thời đây cũng là chuyến viễn cảnh ở chùa Thiên Mụ.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Tháp Phước Duyên.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

đến huế nên đi đâu-chùa thiên mụ

Màu xanh tươi mát.

Tới Huế, hãy một lần hành hương tới ngôi chùa cổ kính nhất của thành phố này:

“Sông Hương xuôi mải về người ngược dòng sông ấy và tôi... gặp chùa trước sân, cây sứ rụng hoa dăm ba người lính nhẩn nha ngắm nhìn chuông đồng Thiên Mụ lặng im mình tôi với tháp Phước Duyên ngước trời”
-

4. Thưởng thức món ăn đường phố dân dã và đậm chất Huế

Bánh ép Huế

Địa chỉ: Bánh ép Mụ Kiều - Thuận An ( số 4 Lê Sĩ, Phú Vang)
Giá: 20.000 VND / đĩa

Một trong số những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Huế là thưởng thức những món ăn đường phố dân dã, bình dị. Bạn tớ đã dẫn đi ăn bánh ép Huế - món ăn đầy sức hấp dẫn của mảnh đất Thần Kinh này. Những quán bán bánh ép nằm rất nhiều trên khắp các con phố Huế, tập trung đông nhất là gần các trường học.

đến huế nên đi đâu-bánh ép huế

Đĩa bánh ép hấp dẫn.

đến huế nên đi đâu-bánh ép huế

Bột được nặn sẵn.

Bánh được làm từ bột lọc, hòa với nước rồi nặn thành hình, cho nhân thịt, tôm ở giữa. Đợi khuôn bánh thật nóng trên lò than, thoa lên khuôn một ít mỡ hoặc dầu, sau đó dùng đặt bột vào. Từng chiếc bánh nóng hổi, thơm phức, ăn kèm với rau sống và chua ngọt, chấm thứ nước mắm cay cay. Tất cả hương vị hòa quyện vào với nhau, tớ cảm nhận được vị béo của trứng, vị dai của bột, vị tươi ngon và thơm của rau, vị chua ngọt từ đu đủ và cà rốt bào sợi.
Ngoài bánh ép dẻo ăn tại chỗ, quán còn có bánh ép khô được đóng gói để mua về ăn hoặc làm quà.

Xôi thịt hon

Địa chỉ: Ngã 4 Trương Định - Phạm Hồng Thái, Huế
Giá: 25.000 VND / phần

Xứ Huế có một món rất ngon nhưng ít người vùng khác biết đến, đó là món xôi thịt hon. Thậm chí, về Huế bây giờ, đi tìm ăn món này ở hàng quán cũng rất khó khăn vì ít người bán. Có bạn sống ở Huế nên chúng tớ may mắn được thưởng thức món ăn đặc sản nằm trên con phố Phạm Hồng Thái này.

đến huế nên đi đâu-xôi thịt hon

Xôi thịt hon.

Xôi thịt hon món thường được ăn vào dịp tết nữa, bởi vậy ngày thường ít người ăn nên cũng ít người bán. Bát thịt hon là sự tiếp thu sáng tạo từ gia vị cà ri của người Ấn Độ. Thịt hon ăn kèm với xôi trắng lúc trời lạnh hoặc mưa thì không còn gì lý thú bằng. Thịt chín mềm, đậm đà gia vị, xôi dẻo và thơm, quyện với nhau hoàn hảo bất ngờ.

5. Thức đêm cùng “thành phố ngủ sớm”

Đêm cuối cùng ở Huế, chúng tớ được bạn dẫn đi uống trà ở ga tàu Huế, thế mới biết ở “thành phố ngủ sớm” lại có hoạt động thú vị như thế này vào ban đêm. Bạn bảo người ta ra ga Huế ban đêm uống trà, gọi vui là thú “trà ga” là cái cớ để gặp nhau tâm tình, trò chuyện.

đến huế nên đi đâu-trà ga-ga huế

Ga Huế về đêm.

Ga Huế không biết từ bao giờ đã có thêm văn hóa “trà ga” được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích. Dường như đã đặt chân tới ga, ngồi vào chiếc bàn nhựa leo lắt ánh đèn dầu, nhâm nhi chén trà nóng cùng kẹo lạc, hướng dương,... thì mọi khoảng cách, thế hệ như bị xóa nhòa. Tất cả đều ngồi xuống ga, “cởi bỏ” hết những mệt nhoài cuộc sống và tìm về phút giây bình yên lúc này.
Tiếng rít của điếu cày, tiếng rao trong đêm, tiếng xì xào nói chuyện của khách trà, tiếng còi của đoàn tàu nào đó về đến ga đã trở thành bản thanh âm đặc trưng của ga Huế. Giá cho một “bàn trà” đầy đủ trà, kẹo, hướng dương, thuốc lào,... cũng chỉ có mấy chục ngàn, ấy vậy mà người ta đã có ngay chỗ ngồi thú vị cho một cuộc hàn huyên rồi.

đến huế nên đi đâu-trà ga

Một nét văn hóa đặc biệt của người Huế.

đến huế nên đi đâu

Hàng bánh mì dưới chân cầu Tràng Tiền.

Ngồi tới khoảng 2 giờ sáng, bạn bảo đi ăn bánh canh O Bướm - quán rất nổi tiếng ở thành phố nhưng khi chúng tớ tới nơi, quán đang dọn hàng đóng cửa, chắc hẳn quán hôm nay đông khách nên hết sớm. Mấy đứa ra cầu Tràng Tiền, mua bánh mì thịt nướng dưới chân cầu và tìm chỗ ngồi nói chuyện tới lúc chập choạng sáng. Một đêm thức cùng Huế mới thấy Huế hấp dẫn người ta không chỉ vào ban ngày, vào mùa mưa dầm, vào thu sang,... mà còn có những trải nghiệm độc đáo vào ban đêm.
Tới Huế, hãy một lần thức cùng thành phố để hòa vào nhịp sống không chỉ của người lao động cần mẫn sớm hôm mà còn của những người trẻ nữa nhé!

“Đã một kẻ buồn vui với Huế Mấy ai không biết đến trà Ga? Dù đó chẳng phải danh trà! Một ấm trà nóng, dăm ba ngàn đồng Rót ra chén, nhấp từng ngụm nhỏ…”
-

Huế “tình”, Huế thơ tới độ tới mỗi địa danh, mỗi góc phố con đường, người ta đều muốn ngân nga câu hát hoặc lời thơ:“Huế vẫn thế, bao đời nay vẫn thế /Hương Giang trôi, còn trôi mãi ngàn năm /Nhịp Tràng Tiền đâu còn quá xa xăm? /Em anh ơi, em có về xứ Huế?” Về xứ Huế, nếu bạn đang có thắc mắc như tụi mình rằng "Đến Huế nên đi đâu" thì bạn hãy thử sống như những người Huế chính hiệu qua những trải nghiệm thú vị trên nhé.

Tác giả: Dương Hải Ly
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Tags:
du-lich-hue
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký