Trước đây, khi nghe về Gò Công tôi chỉ biết rằng mảnh đất này có lịch sử từ thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, là quê hương của Thái hậu Từ Dụ, Nam Phương Hoàng Hậu. Tôi chưa có ý định thăm thú nơi này cho đến khi bạn tôi rủ rê cuối tuần này chưa biết làm gì, hay bọn mình đi Gò Công đi. Vậy là trong nháy mắt, tôi đã quyết định xách ba lô lên đường. Chuyến đi trong ngày đã khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, hóa ra Gò Công thú vị và có nhiều điều bất ngờ hơn tôi tưởng rất nhiều.
Kiến trúc độc đáo ở Gò Công.
Từ Sài Gòn, chúng tôi chạy xe máy bon bon trên con đường quốc lộ 50, qua địa phận Cần Giuộc, Cần Đước và qua cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Vàm Cỏ,… là tới địa phận Gò Công.
Địa điểm đầu tiên tôi khám phá là Dinh tỉnh trưởng. Đầu thế kỷ 20, Gò Công được người Pháp đặt là hạt tham biện (gần tương đương với tỉnh sau này). Năm 1885, người Pháp cho xây dựng dinh Chánh tham biện. Đây là dinh thự đồ sộ đầu tiên do người Pháp xây dựng tại Nam kỳ lục tỉnh. Dinh tỉnh trưởng Gò Công có diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rộng rãi. Toàn bộ nguyên vật liệu được vận chuyển từ Pháp sang. Cầu kỳ nhường đó nhưng khi tôi đến, nơi này đã bị bỏ hoang, các cây xanh mọc lên cả ban công, lên bức tường hoang phế. Trải qua hơn một trăm năm lịch sử với nhiều sự kiện, dấu mốc lịch sử, nơi này chỉ còn lại những khung cửa màu xanh và bậc thềm vắng vẻ. Tôi tần ngẩn đứng ngắm ngôi nhà thật lâu, lòng tràn đầy cảm thán tiếc nuối cho một công trình đã từng rất tráng lệ năm nào.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công.
Cách dinh Tỉnh trưởng vài trăm mét là nhà thờ Chánh Tâm với kiến trúc rất đẹp được xây dựng năm 1940. Giáo xứ Thánh Tâm là giáo xứ lâu đời của vùng Gò Công với hơn một ngàn giáo dân. Rất tiếc là lúc chúng tôi đến không trùng vào giờ hành lễ nên không được vào bên trong, tuy nhiên tham quan nhưng khung cảnh bên ngoài và cảm giác thư thái khi ngồi dưới tán cây ngắm từng chi tiết trang trí mặt ngoài của nhà thờ cũng làm tôi thỏa mãn.
Nhà thờ Chánh Tâm.
Chia tay nhà thờ Thánh Tâm, điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Đình Trung. Đình Trung được xây dựng cuối thế kỷ 19 rất nổi bật ở khu phố với ba bộ cửa hình chữ “Thọ” sơn màu đỏ. Ngôi đình là một phức hợp gồm ba tòa nhà (võ ca, võ quy, chính điện) theo kiến trúc truyền thống ba gian hai chái) theo hướng Bắc Nam. Các mái chồng lớp nhau, đầu hồi vươn cao khắc chạm hình “long hổ hội” và hình rùa đội “Hà đồ lạc thư”... Đình Trung thờ ba sắc thần do vua Tự Đức sắc phong. Biểu tượng thiêng liêng được thờ trong chính điện là chữ “THẦN” tượng trưng cho vị thượng đẳng thần “Thành Hoàng Bổn Cảnh”được chạm nổi sơn đen, xung quanh là rồng phượng hoa lá sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Đình Trung.
Hình chạm nổi trên mái Đình Trung.
Nằm không xa Đình Trung là một ngôi nhà cổ màu vàng nổi bật cả một góc phố. Đó chính là Dinh thự Đốc Phủ Hải
Dinh thự Đốc Phủ Hải.
Tôi khá bất ngờ khi cả công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc Roman với vòm cửa vòng cung, chạm khắc hoa văn nổi và kiến trúc truyền thống nhà xưa: ba gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà hiện này còn lưu giữ lại rất nhiều đồ vật quý giá khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Hoa, đèn treo trần nhà kiểu Châu Âu… Đặt ở bối cạnh hiện tại thì nhà của Đốc phủ Hải cũng được gọi là quy mô nhưng tôi nghĩ có lẽ ở thế kỷ trước thì nhà Đốc phủ Hải chắc chắn là tư gia sang trọng bậc nhất ở Gò Công.
Những ô cửa mang đậm nét kiến trúc phương Tây ở Dinh thự Đốc Phủ Hải.
Kiến trúc Dinh thự Đốc Phủ Hải.
Một địa điểm check in siêu đẹp không thể bỏ qua đó là Thánh thất Thánh tịnh Cao Đài. Với kiến trúc đặc trưng rất dễ nhận thấy và phong cách trang trí màu mè sặc sỡ, dường như đứng ở góc nào cũng có thể có ảnh đẹp. Khi vào tham quan bên trong, cả ngôi thánh thất là sự kết hợp giữa các gam màu nổi xanh đỏ vàng, ban thờ thiên nhãn nổi bật với chín con rồng uy nghi ngạo nghễ. Trong điện còn có hình ảnh Cao đài tam thánh gồm Tôn Dật Tiên,Victor HugovàNguyễn Bỉnh Khiêm.
Thánh thất Thánh tịnh Cao Đài.
Bên trong thánh thất Thánh tịnh Cao Đài.
Rời Thánh thất cũng, chúng tôi quyết định ghé thăm Đình Gò Táo trên đường về. Nơi đây được mệnh danh là Ta Prohm của Việt Nam khi toàn bộ mái đình đằng trước được bao bọc bởi một cây bồ đề với hàng trăm búi rễ ôm trọn thân đình. Hiện nay đình đang được trùng tu nhưng những dấu vết còn lại ở mái đình đặc biệt là tấm bảng có dòng chữ 1907 cho thấy ngôi đình đã hơn một trăm tuổi. Những mảnh gốm còn nguyên rêu phong, thấp thoáng trong bộ rễ cổ thụ là những hoa văn còn sót lại từ những năm cũ khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng và bị lôi cuốn bởi nét hoang sơ, cổ kính ở nơi này.
đình Gò Táo.
Rời khỏi đình Gò Táo cũng là lúc mặt trời chuẩn bị lặn ở phía xa xa, chúng tôi trở về lại Sài Gòn với một tâm trạng hoàn toàn thỏa mãn và cực kỳ thích thú. Chuyến đi lần này tuy ngắn ngủi nhưng nó đã khiến tôi phải lòng với mảnh đất này. Gò Công còn rất nhiều địa điểm, còn rất nhiều món ăn ngon đang chờ tôi tiếp tục khám phá. Hẹn gặp lại Gò Công vào một ngày gần nhất.
Tác giả: Trần Hồng Ngọc
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal