0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

03 Oct 2022 - 12 min read

Một ngày yên bình ở vùng miệt vườn sông nước Tiền Giang - Bến Tre

Miền tây Nam Bộ là điểm đến không quá xa lạ với mọi người. Mỗi nơi đi qua đều có nét văn hóa riêng biệt, đặc biệt là hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Nằm cách TPHCM hơn 70km về phía Nam, thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang sẽ là nơi thú vị cho những ai yêu quý văn hóa, phong cảnh, ẩm thực và cũng như người dân thân thiện nơi đây.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Dừa nước – loài cây đặc trưng vùng Miền Tây sông nước.

Do khá gần với TPHCM nên việc di chuyển bằng đường bộ đến đây khá thuận tiện, chỉ cần chạy dọc theo tuyến QL1A và cao tốc Trung Lương. Vừa rồi mình đã dành ra một ngày tránh xa mọi ồn ào của thành phố về nơi đây tận hưởng cảm giác yên bình.

Xuất phát từ TPHCM từ sáng sớm để tránh kẹt xe, mình chạy xe máy xuôi theo hướng ra vòng xoay An Lạc vào QL1A qua tỉnh Long An, hướng thẳng về Mỹ Tho. Sau khoảng 1 tiếng chạy xe thì mình đến ngã 3 Trung Lương, tranh thủ nghé ăn sáng một tô hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh nằm ở cổng chào thành phố trên đường Ấp Bắc, thành phố Mỹ Tho.

C:\Users\TuanPC2019\OneDrive\Desktop\Hình ảnh tiền giang - Bến Tre\to-hu-tieu-mang-huong-vi-thom-ngon-mau-sac-bat-mat.jpg
du lịch Tiền Giang Bến Tre

Tô hủ tiếu Mỹ Tho trứ danh.

Hủ tiếu là món đặc trưng của nhiều tỉnh miền Tây nhưng hủ tiếu ở Tiền Giang là nổi hơn cả. Hủ tiếu là món có gốc gác ở Campuchia, sau khi du nhập vào Việt Nam và trải qua một thời gian thì hủ tiếu được cải biến để phù hợp với ẩm thực Việt và dần trở thành món ăn phổ biến. Đặc trưng của món này là sợi hủ tiếu - được xem là “ linh hồn” của món ăn được làm từ gạo thơm, khi chế biến sẽ khô, dai dai và có dư vị hơi chua. Nét đặc trưng này khiến món hủ tiếu Nam Bộ này không thể lẫn với hủ tiếu ở bất kỳ nơi nào khác. Ngoài sợi hủ tiếu thì nước dùng cũng quan trọng không kém, được ninh từ thịt tủy xương ống rồi cho thêm mực khô, tôm cháy mỡ mà thành.

1. Chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa cổ độc đáo ở Mỹ Tho

Sau khi ăn sáng xong, mình đến điểm đầu tiên là chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa có nét độc đáo giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Chùa tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngược về dòng lịch sử, chùa do ông bà Tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng thời Minh Mạng, đầu thế kỷ 19. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am để làm nơi tu tập những ngày về hưu của ông bà Tri huyện. Năm 1894, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) được mời về trụ trì. Về sau ông đã tổ chức xây dựng lại ngôi chùa tự mình gánh đất đắp nền với nhiều sự giúp đỡ của các đạo hữu. Cuối cùng nơi đây đã thành ngôi đại tự và được đặt tên là chùa Vĩnh Trường, dân gian thường gọi là chùa Vĩnh Tràng. Trải qua nhiều đời truyền thừa, chùa Vĩnh Tràng ngày càng rộng lớn, uy nghiêm, là nơi để những người theo đạo Phật hoặc bà con gần xa đến hành hương.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Phần Chánh Điện của chùa Vĩnh Tràng.

Chùa gây ấn tượng với du khách gần xa đầu tiên là bởi quy mô bề thế và kiến trúc cùng lối trang trí tinh xảo của nó. Chùa có diện tích khoảng 2 hecta gồm nhiều khu vực như Phật đài A di đà, chánh điện chính, đài quan âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách,…Phía trước chùa có hai cổng tam quan kiểu võ quy mô và tráng lệ, được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc cổ lầu. Điểm đặc biệt của cổng tam quan này là ở nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ có để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của long, lân, quy, phượng, ngư, tiều, canh, mục,… vô cùng ấn tượng và đặc sắc.

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm. Những cây cột trụ và dọc hành lang phía bên tay trái chùa sẽ cho bạn cảm giác và khung cảnh như đang ở một hành lang ở Châu Âu. Riêng tại phần trước bên ngoài chánh điện, có thể thấy những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng hay vòm cửa theo kiểu La Mã. Đây là bông sắt của Pháp, kia là gạch men của Nhật Bản. Bạn cũng sẽ thấy những nét quen thuộc là chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích, và tất cả những hoa văn kiến trúc như trên kết hợp với nhau tạo nên một nét đặc sắc, cổ kính riêng cho ngôi chùa. Chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán tự, gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Phần sân thiên tĩnh của chùa.

Phía bên trong chùa, các gian nhà đều được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và xung quanh xây tường vững chắc. Bên trong chùa có nhiều bao lam, hoành phi và câu đối cẩn bằng miếng chai nổi màu sắc óng ánh trông rất đẹp, hơn 60 bức tượng Phật quý, được làm từ gỗ, đồng hoặc đất nung, đều được thếp vàng óng ánh, trong đó nổi bật nhất là bộ tượng 18 vị La Hán nằm hai bên tường chánh điện được tạc bằng gỗ mít vào đầu thế kỷ 20.

Bên ngoài khuôn viên chùa có nhiều cây cảnh, ao sen và đặc biệt có ba bức tượng Phật lớn nằm trong sân chùa và ở công viên trước chùa là tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn, tượng Phật Di Lặc và tượng Phật Bà Quan Âm

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Ba bức tượng Phật lớn ở chùa Vĩnh Tràng.

2. Khám phá Tứ Linh Cồn trên sông Tiền

Sau khi đi chùa Vĩnh Tràng, mình di chuyển ra bến thuyền Mỹ Tho lên thuyền đi qua cồn Thới Sơn - một trong Tứ Linh Cồn trên sông Tiền được đặt tên theo bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, trong đó Cồn Tân Long (Cồn Long), Cồn Thới Sơn (Cồn Lân) thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và Cồn Quy, Cồn Phụng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền.

Nếu như đi từ Mỹ Tho thì có thể mướn thuyền ở bến thuyền đường 30/4. Việc mướn thuyền đi qua các cồn tham quan có nhiều giá khác nhau, nếu đi đông người theo đoàn giá chỉ từ 80.000VNĐ/người và 300.000 - 350.000VNĐ/người trọn gói nếu như đi 1 mình. Ngồi trên thuyền có thể thấy cầu Rạch Miễu - một trong những cây cầu dây văng lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, giúp cho người dân 2 tỉnh đi lại thuận tiện hơn thay thế cho phà Rạch Miễu. Người dân sống ở Cồn chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi thủy sản lồng bè, sửa chữa ghe thuyền, trồng các loại cây ăn trái miệt vườn.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Nét đẹp bình dị trên sông Tiền.

Sau khoảng 15 phút đi thuyền thì mình đặt chân lên cồn Thới Sơn – là cồn lớn nhất trong 4 cồn trên sông Tiền. Đầu tiên dân địa phương hướng dẫn mình đi thăm các vườn cây ăn trái đủ loại: sầu riêng, chôm chôm, sơ ri, ổi, cam, xoài, vú, sữa… Vào mùa trái cây, chúng ta có thể hái và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Tiếp đến mình được ngồi uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Ngoài ra trên cồn còn có những hoạt động đậm chất miệt vườn như tát mương bắt cá, trải nghiệm chèo xuồng qua các con rạch, trải nghiệm cầm con trăn trên tay, xem người dân nuôi ong lấy mật và các sản phẩm từ ong như mật ong, phấn… Ngoài ra, mình còn được thưởng thức cơm trưa với các đặc sản miền sông nước như ốc gạo, cá tai tượng chiên xù, lẩu mắm...

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Đường làng trên cồn Thới Sơn.

Sau đó, dân địa phương đưa mình đi xuồng ba lá qua các con rạch nhỏ trong cồn, thăm thú khung cảnh miền quê yên bình với những hàng dừa nước mọc san sát hai bên. Ngồi xuồng ba lá len lỏi qua từng con rạch, ta sẽ cảm nhận được vẻ yên bình, bóng mát của từng hàng cây bần, dừa nước dọc theo con rạch.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Đi xuồng ba lá ở cồn Thới Sơn.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Khung cảnh yên bình vùng sông nước.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Hàng dừa nước hai bên con rạch.

Sau một hồi đi xuồng, mình ra lại thuyền và tiếp tục di chuyển qua tham quan 2 cồn (Cồn Quy, Cồn Phụng) thuộc tỉnh Bến Tre.

Cồn Quy - là cồn nhỏ nhất trong 4 cồn trên sông Tiền. Điểm đặc biệt ở Cồn Quy là vẫn giữ được nhiều vườn cây ăn trái lâu năm được trồng theo hàng thẳng lối, chúng ta có thể nằm dưới tán cây để thư giãn. Kế tiếp Cồn Phụng - cồn cuối cùng trong chuyến tham quan. Bến Tre nổi tiếng là xứ dừa nên trên Cồn Phụng có các làng nghề làm kẹo dừa, bánh tráng và các sản phẩm làm từ cây dừa được gia công đẹp mắt, các hoạt động vui chơi vận động như đi cầu khỉ, tắm ao…. ngoài ra ta còn được chiêm ngưỡng kiến trúc thờ tự độc đáo của đạo dừa do ông Nguyễn Thành Nam sáng lập như sân rồng, tháp hòa bình.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Ghe, thuyền của người dân trên Sông Tiền.

du lịch Tiền Giang Bến Tre

Khu vực chơi các trò chơi vận động ở Cồn Phụng.

Sau khi thăm thú Cồn Phụng, mình ra thuyền về lại bến thuyền Mỹ Tho, lấy xe và di chuyển về TPHCM, kết thúc một ngày khám phá Tứ Linh Cồn trên Sông Tiền. Một ngày tuy hơi ngắn nhưng mình đã cảm nhận hết hương vị mộc mạc, yên bình của vùng quê sông nước. Nếu có thêm thời gian, mình sẽ quay lại và ở qua đêm tại Cồn, ngắm trăng trên sông, giao lưu đờn ca tài tử và thăm thú hết những địa điểm khác ở Tiền Giang và Bến Tre.

Tác giả: Tô Minh Trí
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal

Tags:
du-lich-tien-giang-ben-tre
traveloka-goshare
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký