Được UNESCOcông nhận là Di sản Thế giới vào tháng 12/1997, Đại Nghiên cổ trấn là một trong ba trấn cổ nổi tiếng nhất ở Lệ Giang. Với Đại Nghiên, chắc ch ta sẽ chia ra làm 2 thái cực khi đến đây: một nửa sẽ thích không khí sôi động náo nhiệt lúc về đêm, nửa còn lại sẽ thấy thoải mái khi chầm chậm bước qua từng con đường lát đá nho nhỏ, quanh co dẫn sâu vào trong trấn. Cùng đi qua hai bầu không khí này xem bạn sẽ thích thời điểm nào ở Đại Nghiên hơn nhen.
Một góc quảng trường ở Đại Nghiên cổ trấn
Cái tên Đại Nghiên cổ trấn (大研 - Dayan)thoạt đầu có vẻ xa lạ với khách du lịch nhưng nếu nhắc đến cái tên phố cổ Lệ Giang/ Lệ Giang cổ trấn/ thành cổ Lệ Giang thì chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy khá quen thuộc. Tuy nhiên, trong thực tế, tên gọi thành cổ Lệ Giang không dùng để chỉ một mình là Đại Nghiên cổ trấn mà thành cổ Lệ Giang sẽ bao gồm 3 khu phố cổ: Đại Nghiên (大研 - Dayan), Thúc Hà (束河 - Shuhe) và Bạch Sa (白沙 - Baisha). Đại Nghiên cổ trấn là khu vực hình thành và phát triển lâu đời nhất trong số 3 cổ trấn thuộc thành cổ Lệ Giang. Hàng năm, lượng khách du lịch chọn tới đây cũng nhiều hơn 2 trấn cổ còn lại, vì thế Đại Nghiên là nơi có mức độ đô thị hoá cao nhất. Khá nhiều tour du lịch Trung Quốc đều gọi Đại Nghiên là Lệ Giang cổ trấn (điều này sẽ dễ gây nhầm lẫn trong quá tình bạn tìm kiếm thông tin).
Một Đại Nghiên vừa trầm mặc vừa tráng lệ.
Nơi này được truyền đời các thổ ty họ Mộc cai trị, chuyển trung tâm quản lý từ Bạch Sa tới núi Sư Tử ở Đại Nghiên cổ trấn hiện nay. Nhiều ghi chép lưu lại cho biết từ thời cổ đại, Lệ Giang đã rất nổi danh, thường được gọi Đại Nghiên sương (大研厢 – "sương" gần nghĩa như vùng sương) dưới thời nhà Minh; làng Đại Nghiên (大研里) dưới thời nhà Thanh cũng được đổi tên thành trấn Đại Nghiên dưới thời Trung Hoa Dân Quốc. Đại Nghiên cổ trấn được chọn là trung tâm lịch sử của thành phố Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 12/1997.
Về nguồn gốc tên gọi Đại Nghiên, có nhiều giả thiết cho rằng vì nơi đây sở hữu hệ thống kênh rạch chằng chịt, tỏa đi vòng khắp trấn, nhìn từ trên cao giống như dấu mực loan trong nghiên mực lớn nên người ta gọi nơi này là Đại Nghiên. Quả thật như vậy, "nghiên mực lớn" này có nguồn nước bắt đầu từ sông Ngọc Hà, sau đó chảy xuôi đi khắp thành cổ, chia nhỏ trấn cổ thành rất làm nhiều "ốc đảo" khác nhau, sau đó lại nối nhau bởi những cây cầu đá, cầu gỗ nhỏ. Với vị trí địa lý độc đáo như vậy, nơi đây còn được mệnh danh là “Venice của phương Đông”.
Quảng trường Ngọc Hà nằm trong khuôn viên của cụm kiến trúc cư dân Bạch Sa và là một trong những cửa ngõ quan trọng dẫn tới trấn Lệ Giang. Quảng trường Ngọc Hà rộng lớn có điểm nhấn là cặp bánh xe nước rất lớn vẫn hoạt động bình thường, phía trước có một giàn chuông gió và chiếc cầu treo bắc ngang sông. Một lý do giải thích cho việc guồng xe nước trở thành một biểu tượng ở Đại nghiên là vì hầu hết các ngôi nhà ở Lệ Giang cổ trấn được làm bằng gỗ, do đó người dân địa phương đã tạo nên các guồng nước dùng để chống hỏa hoạn. Hiện nay chỉ còn 2 guồng nước ở Quảng trường Ngọc Hà là guồng lớn nhất và vẫn hoạt động bình thường.
Quảng trường Ngọc Hà - cầu nước Ngọc Long là điểm check-in đầu tiên khi đến Đại Nghiên cổ trấn
Đường Tứ Phương sẽ hiện lên vẻ đẹp quyến rũ nhất của mình vào buổi tối, khi các cửa hàng và quán trà đạo bắt đầu lên đèn. Những chiếc đèn lồng đỏ truyền thống của Trung Quốc treo trước mỗi quán có nhiều hình dạng khác nhau, mỗi chiếc toả sáng với vẻ đẹp riêng của mình nhưng tổng thể sẽ tạo nên một bầu không khí ấm áp, bình yên cho cổ trấn.
Những hàng quán ven sông cũng rực rỡ ánh đèn và được trang trí đa dạng
Những cửa hàng nối nhau lên đèn để chuẩn bị cho một buổi tối nhộn nhịp
Từ đường Tứ Phương đi theo con suối dẫn đến Quảng trường Ngọc Hà là hàng loạt quán bar, pub hoạt động về đêm rất náo nhiệt.
Khi trời chuyển dần vào đêm, những quán ăn hay quán bar sẽ bắt đầu sáng đèn rực rỡ
Con đường bar pub thường rất đông người qua lại
Một quán bar được trang trí rất bắt mắt để thu hút khách du lịch
Dòng sông sáng rực dưới ánh đèn từ các cửa hàng
Khác với sự náo nhiệt sôi động vào ban đêm, Đại Nghiên vào ban ngày thực sự khá yên tĩnh và rất phù hợp nếu bạn có đủ nhiều thời gian để lang thang khắp nẻo trấn cổ này.
Vẫn là quảng trường Ngọc Hà nhưng vào ban ngày, bạn sẽ tận hưởng được bầu không khí trong lành, nắng đẹp và ấm, gió nhẹ man man khắp nơi. Bạn sẽ nhìn thấy rõ hơn vẻ rực rỡ của những khóm hoa nở rộ ven suối. Và đặc biệt nhất nếu đứng ở cầu Ngọc Long, quảng trường Ngọc Hà vào ban ngày đó chính là bạn có thể ngắm dãy Ngọc Long Tuyết Sơn hùng vĩ phía xa.
Một địa điểm khá thú vị khác mà bạn nhất định phải đến một lần chính là Mộc Phủ - nơi được mệnh danh là “Tử cấm thành” của phương Nam hay còn được ví von là “Bắc Cố Cung, Nam Mộc Phủ”. Chủ nhân của Mộc Phủ thuộc dòng họ của người Nạp Tây, làm Thổ ty nơi này qua ba triều đại (gần 500 năm). Mặc dù chỉ giữ chức Thổ ty nhưng họ Mộc là thể hiện rõ sự uy thế và phú quý của mình chẳng kém cạnh gì các bậc vương công, các phủ đệ thời bấy giờ. Nhưng mọi thứ ở đời đều có thể cai biến, bãi bể hóa nương dâu, hưng thịnh rồi suy tàn. Không nằm ngoài quy luật của thời gian, sang đến đời Thanh, họ Mộc bị phế bỏ tước vị, từ đó Mộc Phủ cũng dần dần trở nên hoang phế.
Mộc Phủ sừng sững uy nghiêm
Ngày nay, Mộc Phủ trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Lệ Giang, các công trình kiến trúc thuộc Mộc Phủ đều được tu bổ và giữ gìn gần như nguyên vẹn. Kiến trúc của Mộc phủ mang dáng dấp đặc trưng của văn hóa vùng Nạp Tây, có sự kết hợp của Đạo Giáo và Phật Giáo.
Một góc nhỏ ở Mộc Phủ - nơi bạn có thể thưởng ngoạn thiên nhiên, vừa có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo
Ở đây, người ta tôn thờ thiên nhiên, coi trọng sự giao thoa hài hoà giữa con người và tự nhiên. Có lẽ vì vậy mà Mộc Phủ hướng về phía đông để "Mộc khí đến từ ánh mặt trời mọc", tựa lưng vào chân núi Sư Tử, nơi có ngọn tùng bách cổ thụ trăm năm tươi tốt. Cây cối mọc trên núi kết hợp với cây cối trong khuôn viên tạo nên một vườn cảnh sinh động mà vẫn có cảm giác yên bình, thanh tĩnh.
Khung cảnh thanh tĩnh, hòa hợp với thiên nhiên rất thích hợp cho việc thưởng ngoạn
Dòng nước từ núi chảy xuống hồ nhỏ, róc rách uốn lượn khắp nơi trong vườn, vừa cung cấp nguồn nước tưới tiêu vừa vẽ nên một bức tranh giàu ý hoạ tình thơ. Thả bước trong vườn, dù là cây bạch quả lẻ loi, gốc liễu rủ xanh mướt, mặt hồ trong xanh,... cũng làm người thưởng ngoạn động lòng lưu luyến, thật khó có thể rời bước.
Khung cảnh mà mình tưởng tượng ra khá nhiều khi đến một trấn cổ chính là vào một ngày đẹp trời có thể chầm chậm dạo quanh một vòng khắp trấn và thưởng thức sự yên tĩnh hiền hòa, ngắm nhìn những hàng cây lay nhẹ trong gió, nheo mắt lại nhìn bóng nắng len qua những tán cây, ồ linh kinh ngạc trước vẻ đẹp kinh diễm của những loài hoa…. Và Đại Nghiên vào ban ngày có đầy đủ những điều này.
Vẫn là con đường bar pub sôi động nhưng vào bạn ngày, nơi này lại quay trở về trạng thái yên bình, cổ kính
Đi xa hơn vào những con đường nhỏ, bạn sẽ càng bất ngờ về khung cảnh nơi đây. Nếu đã đến Đại Nghiên và hòa mình trong bầu không khí náo nhiệt ban đêm, bạn hẳn sẽ giống như mình, cứ vừa đi vừa ồ lên kinh ngạc và tự hỏi đây có thực sự là Đại Nghiên đêm qua hay không? Mọi thứ quá tinh sạch, nhẹ nhàng và dễ chịu.
Một con hẻm nhỏ như dẫn lối vào quá khứ
Đại Nghiên vào ban ngày cũng không hề thiếu những nơi check-in đẹp. Hãy thử “đi lạc”, đi lạc đã dẫn mình đến những nơi rất đẹp. Chẳng hạn như một con đường băng hẻm nho nhỏ nhưng được trang trí với một hàng ô đầy màu sắc, hay những con đường cầu nguyện với hàng trăm chiếc chuông gió, mảnh gỗ ước nguyện được treo lên hệt như một bức rèm hoa…
Một góc check-in cực đỉnh với hàng trăm chuông gió nhiều màu sắc và những bậc thang cầu vồng
Những bậc thang cầu vồng nổi bật
Những con đường thật thơ mộng trong một ngày nắng
Những con đường thật thơ mộng trong một ngày nắng
Vẫn là Đại Nghiên rực rỡ nhưng thật hiền hòa trong một ngày nắng
Có những góc nhỏ đẹp đến nín thở, tưởng chừng như thời gian đã bỏ quên nơi này
Những trấn cổ luôn là một địa điểm thu hút khi bạn đi du lịch Trung Quốc. Vùng đất Vân Nam nói chung và Đại Nghiên cổ trấn nói riêng là một trong những nơi rất đáng để khám phá. Nếu có dịp đến Đại Nghiên, bạn thử xem hai thái cực không khí ở Đại Nghiên có làm xiêu lòng bạn không nhé!
Tác giả: Đỗ Ngọc Hoài Thu
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Goglobal
Traveloka Goglobal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp thế giới, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những địa điểm du lịch mới lạ trên khắp thế giới đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 1.200.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://trv.lk/goglobal