Đến Trung Quốc, du khách không những được chiêm ngưỡng thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có cơ hội khám phá văn hóa của nhiêu dân tộc khác nhau qua các chuyến viếng thăm thành cổ, trấn cổ. Trong một lần du lịch Tây Nam Trung Quốc, mình đã có dịp thăm Miêu Vương Thành của người Miêu và Phù Dung Trấn của người Thổ Gia.
Miêu Vương thành nằm ở khu tự trị Tùng Đào thuộc tỉnh Quý Châu, cách sân bay Đồng Nhân chỉ 14km và cách Phượng Hoàng Cổ trấn khoảng 50km. Đây là nơi mà văn hóa tộc Miêu còn bảo tồn khá nguyên vẹn.
Miêu Vương thành.
Miêu Vương thành được xây từ những năm đầu thời Hồng Vũ - nhà Minh. Nơi này được mệnh danh là thành phố của các vị vua vì được cai trị lần lượt bởi nhiều đời vua Miêu như Shigeye, Longdage, Wubul, Longxibo và Wuheimiao. Từ đời Tuyên Đức đến Gia Kinh của nhà Minh, các vị vua Miêu lãnh đạo tộc người Miêu nổi dậy chống lại nhà Minh, lấy Miêu Vương thành làm căn cứ. Điều này thúc đẩy nhà Minh phải xây cái gọi là “vạn lý trường thành phía Nam” dài 380 dặm ở ranh giới Hồ Nam, Quý Châu, Trùng Khánh để chống lại tộc Miêu. Cuộc chiến đẫm máu diễn ra trong khoảng 13 năm.
Làng người Miêu có diện tích khoảng 10km vuông, trong đó Miêu Vương Thành chiếm 4km vuông, chia thành Đông Thành và Tây Thành với 4 cổng thành và 11 đường đi. Tường thành khi mới xây dài khoảng 2000m, cao khoảng 2.7m, chiều rộng đủ để binh lính đi lại tuần tra trên tường thành. Đây là thành phố Miêu cổ được bảo tồn khá tốt, có giá trị nghiên cứu lịch sử và phát triển du lịch.
Miêu Vương Thành trước đây từng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự của dân tộc Miêu, nên ngày nay khi đến đây, du khách sẽ được tham quan kiến trúc cũng như tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Miêu ở Trung Quốc.
Văn hóa người Miêu rất phong phú và đặc sắc. Các cô gái ở Miêu Vương thành ăn mặc cầu kỳ với trang sức bạc được đeo nhiều ở cổ và trên đầu, quần áo thì nhiều hoa văn đầy màu sắc. Trang sức bạc rất được coi trọng, nếu nhà có con gái thì phải có nhiều đồ bạc làm của hồi môn.
Người Miêu dù nam hay nữ đều rất phóng khoáng, uống rượu rất giỏi. Khách đến ăn cơm tại nhà được chào đón rất nồng nhiệt, đặc biệt là được mời rượu theo kiểu “thác đổ”. Họ sẽ đổ rượu qua nhiều tầng, cuối cùng rót rượu thẳng vào miệng khách.
Vị trí Miêu Vương Thành
Trước khi vào Miêu Vương Thành, mình đi qua một đoạn đường khá dài có rất nhiều gian hàng bán quà lưu niệm, đồ ăn vặt,…Hết đoạn đường này là đến cổng thành xây bằng đá có bảng tên ở lối vào.
Các cô gái chào đón du khách ở cổng vào Miêu Vương thành.
Cổng được xây bằng đá rất chắc chắn, hai bên có đặt hai chiếc trống màu đỏ, phía trên có lối đi tuần tra và các gian phòng có mái che. Đứng chắn ngay lối vào là 8 cô gái Miêu mặc đồng phục màu đỏ sặc sỡ, tay cầm dải băng đỏ có cầu hoa ở giữa. Cứ mỗi đoàn khách tới, các cô sẽ vừa hát vừa múa một bài ca của dân tộc để chào đón. Phía sau các cô gái niềm nở là những chàng trai tỏ vẻ bặm trợn. Để hóa giải sự thách thức của các chàng, nhóm mình phải cử ra một người uống rượu do các chàng mời. Uống xong các chàng vui vẻ mở lối cho chúng mình bước vào. Đây là một phong tục đón khách rất đặc sắc của người Miêu.
Bước qua cổng thành, bạn sẽ thấy ngay một quảng trường lớn lát đá. Giữa quảng trường là cột trụ khắc hoa văn nằm giữa những chiếc đỉnh đồng. Tiến tới chút nữa là những mái hiên gỗ được xây theo kiến trúc người Miêu, dẫn du khách vào sâu trong Miêu Vương Thành.
Quảng trường lớn ở Miêu Vương thành.
Mái hiên bằng gỗ.
Trong thành, hầu hết nhà cửa đều được bao quanh bởi hàng rào bằng đá, mái nhà lợp ngói chắc chắn. Những ngôi nhà được xây tiếp nối nhau, lối đi quanh co như trong một mê cung. Nhà thường có tầng trệt là nơi chăn nuôi gia súc gia cầm, tầng 2 dùng để sinh hoạt, còn tầng 3 (nếu có) sẽ dùng để chứa vật dụng, lương thực. Nhóm của mình dành chút thời gian dừng lại ở một quán rượu nhỏ, nơi người ta bỏ vài tệ để uống một bát rượu rồi đập vỡ nó.
Lối đi lát đá.
Nhà lợp ngói âm dương.
Hàng rào bằng đá xếp chồng lên nhau.
Tập tục uống rượu xong đập chén ở Miêu Vương thành.
Nếu muốn đi hết Miêu Vương Thành, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên đừng bỏ qua nơi ở của Vua Miêu trước kia. Đó là một dinh thự hoành tráng với cổng vào có kiến trúc khá giống cổng thành. Bên trong là các dãy nhà, với gian nhà chính là nơi đặt ngai vàng của các vị vua. Ngoài ra, mình cũng khá ấn tượng với cấu trúc bằng bạc khổng lồ được đặt trước cửa các nhà hàng. Đây cũng chính là mẫu thiết kế trang sức bạc mà các cô gái Miêu thường đội trên đầu.
Cổng vào dinh thự Miêu Vương.
Ngai vàng của vua Miêu.
Cấu trúc bạc khổng lồ trước cửa nhà.
Khi dùng cơm trong nhà hàng ở Miêu Vương Thành, bạn sẽ được chứng kiến tục mời rượu thác đổ của người Miêu. Rượu gạo được rót liên tục từ nhiều chiếc bình trước khi rót đến chén của khách. Khách sẽ phải uống rượu liên tục cho tới khi nào không thể uống nổi nữa mới thôi.
Mình kết thúc một vòng tham quan Miêu Vương Thành với phong cảnh sông núi hùng vĩ ngay phía sau thành. Ở đây có một cầu kính “mini” dành cho những ai muốn trải nghiệm đi bộ bên trên con sông nước chảy đục ngầu bên dưới.
Khung cảnh núi non phía sau Miêu Vương thành.
Phù Dung trấn tọa lạc trên một vùng núi non nằm giữa Trương Gia Giới và Phượng Hoàng cổ trấn. Nơi đây được mệnh danh là “trấn cổ nghìn năm treo mình trên thác nước” vì có lịch sử lâu đời hơn 2.000 năm và có thác nước hùng vĩ đổ xuống ngày đêm không dứt.
Trước kia, Phù Dung trấn mang tên là Vương Thôn và không được nhiều người biết đến. Cho đến khi bộ phim nổi tiếng “Thị trấn Phù Dung” được công chiếu, người ta đã đổi tên thị trấn này và từ đó lượng khách du lịch không ngừng gia tăng.
Phù Dung trấn được xây dựng men theo vách núi dọc bờ sông Hữu Thủy, nơi cao nhất lên đến 927 mét. Vào mùa mưa, những dải nước trắng xóa đổ xuống từ thác Phù Dung tạo nên khung cảnh vừa nên thơ vừa ngoạn mục. Du khách có thể ngắm thác từ trên cao, từ chân thác hoặc từ lối đi trong lòng thác.
Ngoài phong cảnh ấn tượng, Phù Dung trấn còn có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Người sinh sống ở đây chủ yếu là người Thổ Gia. Dưới thời Thổ Vương, nhà cửa của người Thổ Gia được xây hoàn toàn bằng gỗ ghép lại với nhau theo một kỹ thuật đặc biệt không cần dùng đinh sắt. Nhờ thế mà họ có thể tháo rời các thanh gỗ để di chuyển khi cần thiết. Thời Thổ Vương đã kết thúc cách đây khoảng 300 năm, tuy nhiên du khách vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng các công trình xây theo kiểu Điếu Cước Lâu còn sót lại ở Phù Dung trấn.
Đến thăm Phù Dung trấn, du khách thể đi trong ngày hoặc chọn nghỉ qua đêm. Giá vé vào cổng cơ bản là 108 CNY ~ 370.000 VNĐ. Ngoài ra còn có các hạng vé dành cho khách vừa tham quan vừa xem các show diễn nghệ thuật. Các show diễn nghệ thuật đương đại truyền bá văn hóa phi vật thể Thổ gia được dàn dựng hết sức công phu, áp dụng các kỹ thuật trình diễn hiện đại. Từ 22/5/2023, du khách có thể mua vé xem show từ 10h30 sáng đến 21h50 tối (theo lịch mà ban tổ chức công bố).
Để nghỉ qua đêm, du khách có thể đăng ký các phòng nghỉ với nhiều mức giá khác nhau. Một phòng nghỉ đẹp có view xuất sắc nhìn toàn cảnh trấn Phù Dung có giá khoảng 2,7 triệu đồng đến 3,4 triệu đồng/đêm. Cảnh sắc buổi tối ở Phù Dung trấn vô cùng sặc sỡ với những con phố, những dãy nhà lung linh ánh đèn.
Mình đến trấn Phù Dung vào những ngày hè oi bức. Tuy nắng rất nóng nhưng mưa nhiều khiến thác có nhiều nước hơn. Vừa qua khỏi cổng bán vé, bạn sẽ thấy bản đồ Phù Dung trấn. Hướng di chuyển cho khách tham quan được thiết kế thành vòng cung, để bạn đi một vòng là có thể khám phá những điểm nổi bật của trấn.
Bản đồ Phù Dung trấn
Đầu tiên mình qua cầu Thổ Vương. Đây là cây cầu bắc qua sông Hữu Thủy được xây bằng gỗ với cấu trúc đối xứng. Trên cầu treo rất nhiều đèn lồng, dải hoa đỏ, hai bên có nhiều băng ghế gỗ cho khách nghỉ ngơi ngắm cảnh. Rất nhiều khách du lịch chọn cầu Thổ Vương để chụp ảnh, tuy nhiên phải kiên nhẫn mới canh được lúc cầu vắng người. View từ cầu Thổ Vương rất đẹp, mình nhìn thấy núi non xanh mướt, những nếp nhà cổ màu xám trầm và dòng sông chảy xiết bên dưới.
Cầu Thổ Vương.
View từ cầu Thổ Vương.
Rời cầu Thổ Vương, mình phải leo nhiều bậc thang lên dốc, sau đó lại xuống dốc thì mới vào khu vực thác chính. Dọc đường đi, khung cảnh thị trấn Phù Dung nằm cheo leo trên vách đá phủ đầy cây leo chằng chịt để lại cho mình ấn tượng khá sâu sắc. Đây là điểm nhấn khác biệt giữa Phù Dung trấn và biết bao trấn cổ khác ở Trung Quốc.
Phù Dung trấn lơ lửng trên dòng thác.
Thác nước Phù Dung.
Thác Phù Dung vào mùa mưa có rất nhiều nước. Khi đi từ xa mình đã nghe tiếng thác đổ ầm ầm, lại gần hơn thì thác là những dải nước trắng vắt qua vách đá. Mình dành ít thời gian ngắm thác từ trên cao tại ban công đối diện thác, rồi tiếp tục men theo các bậc thang để xuống chân thác, sau đó đi vào đường mòn dưới thác để cảm nhận làn hơi nước mát lạnh. Nếu có nhiều thời gian, bạn đến vị trí cầu cảng và thuê thuyền dạo trên sông. Mình không đi thuyền nên rời thác bằng một đường khác.
Thác nước Phù Dung.
Thác nước Phù Dung.
Tham quan thác Phù Dung xong, mình đi dạo một chút ở phố cổ. Đây là con phố hẹp, nhà cửa san sát. Hầu hết các ngôi nhà đều dùng mặt tiền để buôn bán đặc sản địa phương và các đồ lưu niệm của người Thổ Gia. Người Thổ Gia nổi tiếng với các sản phẩm thổ cẩm thêu kim tuyến. Trước mỗi ngôi nhà đều có treo quả bí ngô màu vàng. Đây là phong tục để cầu cho mùa màng tươi tốt, vì người Thổ Gia tin rằng màu vàng mang lại sự thịnh vượng.
Đồ lưu niệm của người Thổ Gia.
Dạo phố cổ xong là mình đi gần hết một vòng Phù Dung trấn. Điểm cuối cùng mình dừng chân là một công viên nhỏ nơi có “Cột đồng Tây Châu” mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Khi xưa vua Sở và vua Tây Châu đã đạt thỏa ước ngừng chiến sau một thời gian dài đối đầu, nên họ cho làm một cột đồng cao 4 mét trên đó khắc 2300 ký tự lưu lại các thỏa thuận của 2 phía.
Cột đồng Tây Châu.
Các trấn cổ của Trung Quốc thoạt nhìn khá giống nhau, tuy nhiên mỗi nơi đều có phong cảnh và câu chuyện lịch sử - văn hóa đặc sắc riêng. Chuyến đi đến Tây Nam Trung Quốc đã giúp mình khám phá thêm nhiều nơi chốn và biết thêm nhiều câu chuyện thú vị, đặc biệt là của người Miêu và người Thổ Gia.
Tác giả: Hà Thị Thi Ân
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Goglobal
Traveloka Goglobal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp thế giới, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những địa điểm du lịch mới lạ trên khắp thế giới đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 1.200.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://trv.lk/goglobal