Sài Gòn, thành phố lớn nhất của Việt Nam luôn tấp nập, vội vàng. Buổi sáng của chúng mình sẽ trở lên thật tuyệt vời nếu mỗi sáng dậy được ngồi nhâm nhi tách cà phê trong một không gian thật yên bình và thơ mộng. Hãy cùng mình tìm hiểu 2 quán cà phê cổ và độc đáo ở Sài Gòn sau đây nhé.
Bàn ghế giản dị ở quán cà phê nhỏ.
Địa chỉ: 172B Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, Quận 3
Một ngày nếu bạn thấy “bội thực” với những tiện nghi đủ đầy ở quán cà phê: wifi căng đét, list nhạc theo trend, tỉ góc “sống ảo”, menu đồ uống mấy trang, máy lạnh mát rượi,… và muốn F5 tí ti thì hãy thử ghé cà phê bà Hồng vào sáng sớm, đảm bảo thảnh thơi vô cùng. Quán cà phê hơn 3 thập kỷ ở Sài Gòn, cái gì cũng không có, từ cái tên cho tới wifi, nhạc nhẽo, máy lạnh, menu,… ấy vậy mà người ta vẫn “mê” cái không gian “thiếu thốn” ấy. Không theo phong cách hiện đại, cũng không phải một quán cà phê theo trào lưu những năm 'một ngàn chín trăm hồi đó'…, quán của bà Hồng tỏa ra cái hương vị 'cổ tự nhiên' đến khó tả. Góc nào của quán cũng rất đỗi thân thương, rất đỗi dịu dàng với những chiếc bình thủy cũ, với mảng tường phai màu theo thời gian. Trên khoảng sân trống được lót nền xi măng, nổi bần bật 7 bộ bàn ghế chủ quán tự đóng, chiếc cao chiếc thấp, ghế gỗ xen lẫn với ghế nhựa, ghế mây… Vậy mà không hiểu sao nhìn rất hài hòa và ấm mùi thời gian. Thêm cái nữa là quán bán không có giờ giấc cố định, bà chủ vui thì sẽ mở bán lâu, buồn thì… đóng cửa sớm.
Khách lúc sáng sớm chủ yếu là người trung niên.
Cà phê ở quán không pha phin khi khách gọi, cũng không phải cà phê vợt, chỉ đơn giản là loại cà phê được bà chủ pha sẵn rồi để trong một cái lọ sứ nhỏ. Đưa tay múc một muỗng sữa đầy, rót vào chút cà phê, bà bắt đầu khuấy đều tay. Nghe tiếng muỗng lanh canh khi chạm vào thành ly, tự dưng tôi nhớ lúc trước có người từng kể về chuyện cà phê vốn là thức uống theo chân thực dân Pháp vào xứ mình. Quán cà phê hồi đó (thời bao cấp) là nơi có bán cả các món ăn sáng như hủ tiếu, mì cùng một số bánh ngọt.
Phía bên trong nhà bà Hồng.
Bà Hồng ngồi đọc báo.
Sự yên ả bao trùm cả không gian quán, cái cũ kĩ, tĩnh mịch và vẻ hoài cổ ở đây khiến bất cứ ai cũng trở nên lắng đọng, chậm lại và nhỏ nhẹ, chẳng phải là nhập gia tùy tục gì mà đơn giản chính cái phong vị “bao cấp” hoài cổ của quán cà phê khiến bản thân tự dưng muốn hòa nhập vào không gian đó. Khi mà ở ngoài kia, con người ta cứ mải mê kiếm tìm một cái gì đó cho bản thân, giữa ồn ào của phố thị, dòng người tấp nập. Thì ở đây, bạn có thể cảm nhận được một cái gì đó rất riêng, trầm ngâm suy nghĩ về cuộc sống quanh ta hay đơn giản nhất là những mẩu chuyện nhỏ với những con người đầy thú vị.
Chiếc phích cũ.
Ấm trà nhôm.
Bình nhựa xanh đỏ.
Bà Hồng bên quầy pha chế.
Cốc cafe đen buổi sáng.
Buổi sáng bình dị ở quán cafe bà Hồng.
Địa chỉ: 193 Phùng Hưng, phường 14, quận 5
Tọa lạc trong khu phố người Hoa tại khu vực Chợ Lớn, vì thế việc chủ quán cũng là một người Hoa không phải là điều xa lạ. Người ta quen gọi quán với cái tên có nét rất “Hoa”, đó là Ba Lù. Điểm đặc biệt nhất của quán chính là chiếc thùng rang cà phê thủ công. Thoạt nhìn qua chẳng có gì đặc biệt nhưng chiếc thùng này thực chất đã được truyền qua đến 3 thế hệ, tồn tại như một báu vật của gia đình. Nằm lọt thỏm giữa một khu chợ, quán cà phê Ba Lù đã trải qua 69 năm ròng gìn giữ cái văn hóa tươi đẹp về cà phê cho Sài Gòn. Có rất nhiều người uống cà phê nhưng lại rất ít người đặt câu hỏi cho những ly cà phê của cuộc đời mình. Thì thử một lần ghé quán chơi để những hạt cà phê và những người giữ lửa kể chuyện bạn nghe.
Cafe vợt ở phố người Hoa.
Cà phê vợt có khá lâu đời, dụng cụ pha chế bao gồm một chiếc vợt với lưới làm bằng vải mỏng (vải may mùng) và chiếc ấm hay còn gọi là siêu nấu cà phê rất đặc trưng. Theo những người đã uống cà phê vợt lâu năm thì việc lọc cà phê bằng vợt sẽ làm cà phê trong hơn, thơm ngon hơn so với lọc bằng phin như thông thường. Quán bắt đầu bán từ 2h đến 17h. Với giá thành chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng cho một ly cà phê đen. Quán cà phê 67 năm tuổi này là nơi thu hút nhiều người yêu thích và muốn thưởng thức hương vị cà phê truyền thống. Khách đến với quán chủ yếu là người trung niên và lớn tuổi. Hầu hết học là khách đã quen, có người đã uống cà phê tại đây suốt 40 năm qua. Cà phê ở đây có hương thơm, vị cũng đậm đà hơn so với các loại cà phê gói khác.
Quán cafe 69 năm tuổi.
Cà phê ở đây có giá rẻ đến mức chắc những người lần đầu tiên đến quán sẽ không khỏi ngạc nhiên khi tại sao ở giữa Sài Gòn phồn hoa này vẫn còn những người bán ly cà phê với giá 15.000 đồng. Giá rẻ như thế, nhưng để làm ra ly cafe phục vụ thực khách, chủ quán phải bỏ nhiều công sức, tỉ mỉ từng chút một để cà phê đậm hương vị riêng. Con gái của ông chủ Ba Lù, cô luôn chạy chạy đôn đáo hết pha cà phê rồi đến châm trà, trò chuyện với khách. Nhưng chưa bao giờ thôi tự hào về những gì cha cô để lại: “Cà phê ở đây là đảm bảo sạch, nước nó hơi nhàn nhạt nên nhiều người còn nhầm tưởng là nước loãng nhưng cà phê thiệt nó mới có màu như vậy. Khách ở đây mấy chục năm uống ở đây rồi là không uống chỗ khác được, có hôm bắt xe ôm mất 30 ngàn lên đây chỉ để uống ly cà phê 10,15 ngàn.”
Đồ vật cũ kỹ.
Ly cafe ngon và sạch 15.000 VND.
Cafe của ông Ba Lù.
Cái tâm của người ‘giữ lửa” cho nền văn hóa cafe Sài Gòn.
Ông Ba Lù tuy không còn nữa nhưng con cái ông vẫn ngày ngày tiếp nối công việc mà ba mình đã để lại như việc nối tiếp một hành trình dài mà cả gia đình ông đã cùng nhau đi qua trong chừng ấy năm. Giữa cuộc sống bận rộn, tập nấp của Sài Gòn, quán cà phê truyền thống ở phố người Hoa như một dấu lặng dành cho những ai muốn tìm về một chút hoài niệm xưa, nhâm nhi ly cà phê đậm đà hương vị truyền thống và muốn nghe những câu chuyện từ nhiều năm trước do người lớn tuổi kể lại. Quán cà phê Ba Lù là một truyền thống được gìn giữ hơn 69 năm, một nét độc đáo, và là một góc nhỏ đậm chất thân thương giữa lòng Sài Gòn. Tới Ba Lù để uống cà phê và cảm nhận cái tâm của người “giữ lửa” của Sài Gòn bạn nhé!
Tác giả: Trần Thị Như Quỳnh
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal