An Giang vốn nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ của những hàng cây thốt nốt, phong cảnh bình yên và mùa lúa chín đẹp ngất ngây. Vì thế mà chúng tớ quyết định lên kế hoạch cho chuyến đi 2 ngày cuối tuần để tận hưởng được mùa vàng An Giang trước khi lúa được gặt hết. Sau đây là lịch trình và những kinh nghiệm du lịch An Giang mà chúng tớ tự đúc kết được.
An Giang nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ.
Xuống xe tại Châu Đốc sau hơn 7 giờ di chuyển bằng xe khách từ Sài Gòn, chúng tôi trung chuyển về Núi Sam và thuê xe máy tại đây để dễ dàng di chuyển thăm thú ngang dọc nơi đây. Chuyến hành trình 2 ngày 1 đêm của 4 chị em chúng tớ ở An Giang sẽ được tớ kể trong bài viết này, kèm theo là những kinh nghiệm du lịch An Giang tớ nghĩ là sẽ hữu ích cho những ai có ý định khám phá vùng đất này.
Điểm đầu tiên: Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang cách thành phố Long Xuyên gần 100 km, cách thành phố Châu Đốc gần 30 km. Chúng tớ xuất phát từ Núi Sam đi theo Quốc lộ 91, qua Cầu Trà Sư vài chục mét thì rẽ trái vào một con đường ven kênh Trà Sư với tổng đoạn đường gần 20 km.
Đường đi từ Núi Sam đến Rừng tràm Trà Sư mà chúng tớ lựa chọn.
Giờ mở cửa bán vé ở đây bắt đầu lúc 7:30 nên mọi người cứ bình tĩnh chạy thưởng thức cảnh vật An Giang rồi đến cũng không muộn đâu nhé. Trên đường đi, cảnh vật An Giang mộc mạc, đặc biệt là sẽ có rất nhiều thốt nốt dọc 2 bên đường bạn chạy xe, nếu bạn muốn hỏi đường thì người dân sẽ chỉ nhiệt tình và chi tiết nhất có thể cho bạn nữa. Theo như kinh nghiệm du lịch An Giang của mình thì tớ thấy như đi đâu cũng được chỉ đường tường tận hết.
Sau khi mua vé cho nhóm 4 người thì các chú chỉ dẫn xuống “tắc ráng”, lúc đầu nhìn trong vé không biết tắc ráng là gì thì được chú giải thích chính là xuồng máy màu xanh này. Chiếc tắc ráng ngày nay có rất nhiều ở miền Tây và cũng là phương tiện chính, gắn liền với đời sống sông nước của người dân.
Bến đậu “tắc ráng” Rừng tràm Trà Sư.
Tắc ráng chạy giữa hai hàng cây tạo nên một vòm xanh đẹp mắt lắm, tầm 8 giờ nắng sáng bắt đầu đổ xuống cũng tạo thêm hiệu ứng cho bạn có bức ảnh lung linh nhất. Chú thuyền công lái chiếc tắc ráng chạy xuyên qua cánh rừng, rẽ xuyên đám bèo xanh rờn dưới mặt nước nên hãy tranh thủ ghi lại một vài khoảnh khắc “cực nghệ” với chúng vì chú chạy không chậm lắm đâu nhé.
"Sống ảo" theo cách của bạn nhé. Bạn có thể bỏ áo phao ra để chụp ảnh một chút rồi mặc vào ngay để giữ an toàn nhé.
Khung cảnh rừng tràm tuyệt đẹp.
Sau khi chú chạy được một đoạn tầm 3 phút thì tắc rang sẽ cập bến để bạn có thời gian đi xuồng chèo bằng tay do các cô chú nhân viên ở đây chèo đưa bạn đi vòng quanh rừng tràm trong khoảng 10 – 15 phút, bạn có thể thấy rõ hơn các loài chim ở đây cũng như được nghe các cô chú giới thiệu về một số loài cây cũng như một số loài chim ở rừng tràm Trà Sư.
Xuồng đợi khách tại rừng tràm Trà Sư.
Các cô chú nhân viên chèo xuồng ở đây rất dễ thương, xuồng nối xuồng đi giữa rừng tràm xanh mướt, màu áo xanh của các cô chèo xuồng in bóng xuống mặt nước đẹp vô cùng.
Nếu muốn thấy được mênh mông rừng cây xanh ngát và nhìn ngắm đàn chim bay lượn ở rừng tràm Trà Sư, hãy đi theo chỉ dẫn để đến đài quan sát cao trên 20 m. Đường đi vào đài quan sát bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một hàng cây chạy dọc và dưới mặt nước là một lớp bèo tuyệt đẹp nữa đấy.
Đường đi tới tháp quan sát.
Trên đài quan sát bạn có thể thấy được toàn cảnh của rừng tràm Trà Sư hàng trăm ha. Ở đây còn bố trí một ống dòm để bạn có thê quan sát gần hơn hệ sinh thái, các loài chim, cò bay lượn ở Rừng tràm Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư từ đài quan sát.
Cũng có thể mượn nón của một chị nhân viên ở đây để "sống ảo" với khung trời bao la của Rừng tràm Trà Sư nhé.
Ở đây còn có một nhà hàng nhỏ, các hàng quán giải khát hoặc món ăn truyền thống ở An Giang như bánh Donat Jasmin - bánh truyền thống của dân tộc Chăm, bánh bò thốt nốt vàng rực thơm béo,…
Đường dẫn vô đài quan sát và các quầy bán nước.
Hãy thử một tí bánh bò thốt nốt bạn sẽ cảm nhận vị thơm béo của món bánh vàng ươm này.
Điểm thứ hai: Chợ biên giới Tịnh Biên – Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên
Chợ biên giới Tịnh Biên hay còn gọi là Chợ Tịnh Biên cách rừng tràm Trà Sư chừng 17 km. Đường đi từ Rừng tràm Trà Sư sang chợ Tịnh Biên khá dễ dàng và đường đi hai bên rất nhiều thốt nốt cũng như là cái ruộng lúa bắt đầu vàng rực hai bên.
Đây có lẽ là đường đi ngắn nhất để đi từ Rừng tràm Trà Sư đến chợ Tịnh Biên.
Cổng Chợ Tịnh Biên.
Trước khi đến chợ Tịnh Biên, chúng tớ ghé ăn trưa tại Lữ Quán Trà Sư, cách chợ 7 km. Sau khi đã no nê thì chúng tớ lên xe đến chợ Tịnh Biên. Ở đây cũng như các chợ khác nhưng giá khá rẻ. Dạo chợ một lúc thì bạn có thể thưởng thức một ly thốt nốt lạnh hoặc sương sâm hột é của các gánh hàng rong để cảm nhận được thức uống đặc trưng của nơi này.
Từ chợ Tịnh Biên, đi theo đường Hữu Nghị về thì rẽ vào một con đường bên tay phải (con đường đối diện chợ bách hóa Tịnh Biên). Tiếp tục rẽ phải vào QL 91 và chạy thẳng sẽ gặp Cửa khẩu Tịnh Biên.
Đường đi Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên.
Check-in ở Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên.
Điểm thứ ba: Cây thốt nốt trái tim, Tri Tôn
Để check-in với cụm cây thốt nốt hình trái tim nổi tiếng này từ Chợ Tịnh Biên 4 chị em mình đã chạy gần 1 tiếng đồng hồ để quyết tâm sống ảo. Nhưng những gì hiện trên đường đi của 4 chị em mới là điều làm 4 chị em phấn khích và thật sự tận hưởng, thật sự say vùng đất này. Ngoài những thửa ruộng vàng rực đó có những cổng chùa cổ kính mang đậm nét văn hóa của người Khmer.
Khung cảnh hai bên đường đi.
Vừa chạy trên đường, vừa ngắm hai bên là những hàng thốt nốt và những thửa ruộng vàng rực là điều khiến 4 chị em thích thú và thấy thân quen như đang ở quê mình vậy.
Cổng chùa người Khmer.
Nửa đoạn đường đầu từ Quốc lộ 91 đến gần ngã ba chùa Xốc Tức là địa phận huyện Tịnh Biên, còn từ ngã ba chùa Xốc Tức tới cây thốt nốt hình trái tim là dịa phận huyện Tri Tôn. Đây là tọa độ của cây trái tim để các bạn dễ tìm hơn: 7P26CX22+Q7. Vừa qua khỏi UBND Xã An Tức, bạn chú ý phía bên tay phải của mình có một con đường đất nhỏ có để bảng chi dẫn và rẽ vào tầm 50 m sẽ thấy cụm cây thốt nốt như hình dưới.
Cổng vào chùa khá lâu đời.
Cây thốt nốt huyền thoại của An Giang.
Thật ra đây chỉ là cụm cây thốt nốt mọc lên và tán lá xếp thành hình trái tim nên nhiều bạn tỏ ra khá hụt hẫng khi nghĩ đấy là một cây duy nhất. Nhưng “một cây làm chẳng nên non” mà, có thể nói là cây thốt nốt này được nhiều người ví như là biểu tượng du lịch của Tri Tôn, An Giang.
Điểm thứ tư: Núi Cấm Resort
Di chuyển từ Tri Tôn về Núi Cấm Resort, Tịnh Biên đã lấy đi gần nửa tiếng đồng hồ của 4 chị em trong đó 30 phút di chuyển và 30 phút dừng chân ở chợ Tri Tôn dể mua ít lương thực cho bữa tối tại Núi Cấm Resort.
Từ lúc vừa xuống xe mình đã tìm kiếm về nơi có thể dựng trại được, và vì đảm bảo an toàn cũng như chỉ có 4 chị em đi với nhau nên Núi Cấm Resort là địa điểm dựng trại phù hợp nhất cho mọi người với dịch vụ khá thoải mái. Bạn chỉ cần đặt trước với anh Đạt về số người, bởi khi đến dựng trại ở Núi Cấm Resort chỉ với chiếc thẻ sinh viên quyền lực thì bạn sẽ được giảm giá còn 100.000 VND/ người bao gồm nước tắm, hồ bơi, không gian cây xanh.
Không gian của Núi Cấm Resort.
Tranh thủ check-in với hồ bơi, khuôn viên xanh mướt của Núi Cấm Resort một tí nhé, như một khu rừng thu nhỏ vậy.
Đặc biệt là nếu đến đây đúng mùa trái cây đang rộ thì cô chủ resort sẽ cho bạn thưởng thức một vài quả căng mọng nữa nhé.
Sau sự chuẩn bị ngay lập tức thì 4 chị em cũng đã có bữa BBQ đơn giản nhưng thật ngon giữa không gian cây xanh mát rượi ở Núi Cấm Resort.
Buổi sáng khi vừa nhận xe máy tại Núi Sam xong thì 4 chị em vòng vèo về Châu Đốc ăn bún cá theo lời chỉ của một người bạn, đường đi khoảng 6.3 km. Chúng tớ ăn tại Bún cá Châu Đốc (đối điện Điện máy xanh) đường Nguyễn Văn Thoại, Châu Phú B, Châu Đốc.
Bún cá Châu Đốc với bông điên điển, cá lóc.
Buổi trưa 4 chị em tớ đã dừng chân ở Lữ Quán Trà Sư, số 668 Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng, Trà Sư, An Giang. 4 chị em ăn 2 cá lóc nướng chui vì quá ngon, rau thập cẩm luộc, một em gà luộc và một ít cơm chiên.
Cá lóc nướng chui của buổi trưa ngày đầu tiên.
Buổi tối của 4 chị em là bữa tiệc BBQ ngoài trời dân dã mà ngon tuyệt vời với những thứ nguyên liệu không quá khó như gà ướp sa tế và chút muối tiêu, bắp nướng nguyên vỏ (bao ngọt nhé) và một chút trái cây tráng miệng tưởng chừng không no nhưng no không tưởng đấy.
BBQ buổi tối tại Núi Cấm Resort.
Điểm đầu tiên: Hồ Latina
Sau khi rời Núi Cấm Resort, chúng tớ rẽ phải chạy theo đường tỉnh 984 đi chừng 4.5 km thì rẽ vào một con đường đất đá bên tay phải để vào Hồ Latina. Cũng không quên ăn tí bánh mì để lót dạ cho bữa sáng.
Leo lên mỏm đá cao cao để nhìn cảnh vật xung quanh.
Hồ Latina là một hồ đá nhỏ nằm dưới chân núi Cấm, là điểm giáp ranh giữa Tri Tôn và Tịnh Biên.
Ở đây có nhiều tảng đá rất lớn và hồ nước thì xanh trong, leo lên được tảng đá bạn có thể ngắm nhìn những cánh đồng vàng rực trải dài dưới chân những rặng thốt nốt. Và chúng tớ đã tìm thấy “rừng thốt nốt” trong suy nghĩ ở gần đấy.
Mặt hồ Latina sẽ gợi cho bạn chút quen thuộc về các cảnh phim cổ trang dù diện tích khá bé, xung quanh hồ cây cối xanh mướt do đó màu nước của hồ cũng theo đó mà xanh tựa ngọc.
Điểm thứ hai: Mùa vàng Tịnh Biên – Rặng thốt nốt
Đoạn đường di chuyển từ Núi Cấm Resort đến Hồ Latina bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng lúa chín vàng rực đường đi, lác đác là những cây thốt nốt cao chót vót. Dừng xe gọn lại bên lề đường và check-in vài tấm với “mùa vàng” Tịnh Biên nhé. Từ Hồ Latina bạn chạy xe chừng hơn 100 m thì sẽ tới “rừng thốt nốt” siêu đẹp này thôi, bạn có thể định vị nó bằng cách trèo lên mỏm đá cao cao ở Hồ Latina và ngắm về phía đồng lúa vàng rực sẽ thấy nó hiện ngay trước mắt.
"Bay" trên mùa vàng Tịnh Biên.
Còn đây là “rừng thốt nốt” mà 4 chị em chúng tớ đã “tia” được và nhất định phải chạy xe tới để chụp cho bằng được.
Cả một rừng thốt nốt thiệt nhiều.
Điểm thứ ba: Thánh Đường Hồi giáo Jamiul Azhar, Phú Tân
Sau khi say đắm với mùa vàng Tịnh Biên, chạy xe về Châu Đốc gần 41 km với hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe, đến đây bạn mua vé đi phà Châu Giang qua Phú Tân để đến vùng đất của những người Chăm tại An Giang. Bạn sẽ phải trầm trồ với kiến trúc của những thánh đường ở đây, từ mái vòm cho đến những chi tiết phù điêu.
Lối kiến trúc đặc trưng của thánh đường.
Màu sắc cũng như thiết kế của thánh đường khá bắt mắt.
Ở mỗi công trình, họ còn lưu lại năm mà họ thực hiện công trình đó từ cổng chào cho đến những phần của thánh đường. Vì mỗi đạo sẽ có mỗi quy tắc riêng nên bạn cần hỏi về việc chụp ảnh ở đây trước khi chụp để không phải gặp tình huống khó xử hoặc làm ảnh hưởng đến không gian riêng tư của họ.
Điểm thứ tư: Miếu Bà Chúa Xứ, Núi Sam
Để kết thúc hành trình ở An Giang thì điểm dừng chân cuối cùng sẽ là Miếu Bà Chúa Xứ, dưới chân Núi Sam.
Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó ngày vía chính là ngày 25. Đến ngày này mọi người mọi miền sẽ về đây để dâng lễ rất đông, từ một lễ hội tự phát, Lễ Vía Bà Chúa Xứ đã trở thành lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001.
Kiến trúc độc đáo của Miếu Bà Chúa Xứ.
Một góc mái của miếu bà Chúa Xứ.
Khuôn viên sân vườn của Miếu Bà Chúa Xứ không rộng nhưng cảm giác thoáng, mùa cây thay lá ở Miếu Bà Chúa Xứ làm cho một góc sân thơ mộng như vừa chớm thu.
Trên đường đi hãy ghé thưởng thức một ly thốt nốt lạnh và được người dân địa phương đang bóc vỏ ngay trước mắt cho bạn xem từng bước cụ thể. Mỗi ly đầy ắp nước và cái thốt nốt sẽ giúp bạn thấy mát lạnh và mê mẩn với thức uống này.
Lấy “cái” của thốt nốt để bán.
Thốt nốt lạnh đầy ắp cái.
Sau khi đã thăm thú rã rời cả ngày, hãy ghé Châu Đốc Hội Quán để dừng chân và thưởng thức món Lẩu mắm miền Tây, một món ăn mà bạn phải thử nếu về miền Tây.
Lẩu mắm, món ăn miền Tây.
Theo kinh nghiệm du lịch An Giang sau 2 ngày 1 đêm của mình, doc đường đi của hành trình này bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cổng chùa, và đó là điểm đặc trưng của vùng đất này. Mỗi ngôi chùa sẽ có một lối kiến trúc cổng khác nhau. Bạn sẽ không thể đếm được có bao nhiêu cái cổng đâu, có nhiều cổng nhìn rất lâu rồi, còn có nhiều cũng còn gần như giống nhau và còn ẩn mình sau một hàng cây nữa.
Cổng chùa ở An Giang.
Thiết kế độc nhất.
Bên cạnh đó còn có những sạp mắm đặc trưng của An Giang cũng là những gì bạn thấy nhiều khi vào các khu chợ ở đây.
Sạp mắm ở Châu Đốc.
Thời gian An Giang đẹp nhất: Hãy đi An Giang vào tháng 11, tháng 12 để cảm nhận được mùa vàng của An Giang, màu xanh mướt của rừng tràm Trà Sư cũng như lúc này thời tiết khá đẹp để bạn khám phá vùng đất này.
Còn nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa qua các lễ hội thì tháng 4 và tháng 8 âm lịch là hợp lý dành cho bạn bởi lẽ tháng 4 sẽ có Lễ hội chùa Bà Núi Sam và Lễ hội đua bò vào tháng 8 âm lịch. Nhưng lúc đó lượng khách sẽ đổ về rất nhiều và bạn sẽ không tận hưởng được trọn vẹn sự mộc mạc mà nơi đây có được đâu đấy.
Tổng chi phí cho một người: 1.200.000 VND, gồm:
Sau chuyến hành trình khám phá An Giang 2 ngày 1 đêm, chúng tớ lên xe về lại Sài Gòn lúc 6 giờ chiều để có đủ sức làm việc cho ngày thứ hai tuần tới và hẹn An Giang một ngày nào đó sẽ khám phá tiếp những vùng đất thú vị và mộc mạc nơi đây.
Tác giả: Nguyễn Quang Kiên
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal