Tà Năng (xã thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) – Phan Dũng (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) nổi lên như là “cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam”, nên nhất định phải đi cho biết. Đi rồi để xác nhận rằng cung đường này thật sự đẹp.
Nghìn thông xanh ngắt, lãng bãng rừng sương. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Địa hình đường mòn đi qua các đỉnh núi, phong cảnh núi non hùng vĩ, khá giống cung đường Dragon Back nổi tiếng thế giới mình từng leo tại Hongkong. Một chuyến đi tuyệt vời, dù nhiều lúc dậm chân dậm cẳng không muốn đi nữa do quá mệt.
Đường này trước đây chỉ có “thợ rừng” đi lại, hoang vu hiểm trở. Hằng năm ở đây vẫn có người chết vì bị gỗ đè, khát nước trên đường. Đợt đi lần này được bởi người anh Trần Đặng Đăng Khoa, một trong những người đầu tiên “khai phá” cung này, một người có đôi mắt đẹp như người Ả Rập và cái bụng như ông địa :)). Nhờ con đường này anh đã quen đi lại nhiều lần nên mọi thứ đều ổn. Trên đường gặp nhiều nhóm đi giữa chừng phải quay về vì không chuẩn bị đủ vật dụng, nước uống. Cũng nghe không ít trường hợp suýt chết khát khi đi.
Đoạn đường chính của Tà Năng - Phan Dũng, nơi giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Cung đường chính Tà Năng – Phan Dũng độ dài đâu khoảng 40 – 50 km, bình thường đi khoảng 3 ngày. Nhưng để “tăng độ khó”, nhóm mình bắt đầu từ xã Ka Đô, Lâm Đồng. Đi 5 ngày, trek hơn 90 km, cộng thêm mấy chục cây số đi máy cày qua mấy con suối hiểm trở. Vẫn còn nhớ cảm giác rùng mình sợ hãi khi đi máy cày, vì mình nghe nói mới có người chết do máy cày bị lật trên cung đường này. Trong khi cả nhóm ai cũng vui cười tíu tít thì mình nhắm tịt mắt lại và dựa vào vai một bạn trong đoàn, cứ cầu mong cho qua đoạn khó đi.
Núi non trùng điệp, đi biết bao giờ mới đến nơi. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Đến một đoạn rừng trông bằng phẳng. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Những đoạn leo dốc mệt nhọc vã hết mồ hôi, cứ lên hết dốc này lại thấy dốc khác cao hơn gấp bội. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Cũng nhờ trek đường dài như vậy mà nhóm mình có thể tận hưởng được vẻ đẹp của vùng này, nhìn ngắm nhiều kiểu địa hình khác nhau. Có những lúc đường đất đỏ bụi mù, có những đoạn xuống núi nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang. Có những cảnh không khác gì trong phim kiếm hiệp, người đang đi, nhìn thấy đồi thông cao cao xa xa, dòng suối phía trước, hàng nghìn con bướm vàng thi nhau bay qua vùng cao nguyên bằng phẳng. Rồi có những lúc cắm lều buổi sớm, mưa rơi trên đồi thông, không khí trời chiều lảng bảng mê hoặc, mây mù bao quanh đỉnh núi, ánh nắng chiều rơi rớt trên cao tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp. Rồi lúc gió thổi thông reo không khác gì tiếng mưa. Rồi buổi sáng sớm vừa nấu cháo yến mạch vừa ngắm mặt trời mọc trên đỉnh núi. Ôi kể không sao cho hết những giây phút đẹp đẽ...
Hạ trại cắm lều nghỉ mệt, người ngồi ngắm mây bay, kẻ bình yên đọc sách. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Đã đi nhiều nơi ở các nước khác và Việt Nam, nhưng chưa chuyến đi nào mình lại có những trải nghiệm đặc biệt như chuyến này. Cảm giác cùng những người đồng hành đã đi bộ ròng rã trong rừng suốt 5 – 6 ngày, ngày nào cũng đi 30 cây số với ba lô mười mấy ký lô trên lưng. Thiếu lương thực, không tắm rửa suốt mấy ngày, đến cả nước uống cũng phải dè xẻn từng ngụm, nhưng tụi mình đã có những kỷ niệm tuyệt vời, nằm ngủ dưới bầu trời đầy sao sáng lấp lánh, thấy cả vũ trụ như một chiếc ô lấp lánh, xuống suối chặt tre nhóm lửa nấu cơm lam ăn với cá khô, ngồi chơi ma sói với bạn bè và cười vang cả núi rừng. Chuyến đi giúp mình thấy bản thân làm được những điều tưởng chừng như không thể, cảm giác thật tự hào vì đã vượt qua bản thân để trải nghiệm những điều mới mẻ.
Cả nhóm trên đường về đích. Hình ảnh: Nguyễn Dũng
Mà không thể không kể đến những người bạn đồng hành với mình trong chuyến đi. Mới đầu không biết ai là ai. Sau đó mới nhận thấy hóa ra nhóm mình toàn người dữ dội. Người thì dân du học sinh về, người làm giáo viên yoga, người có bằng lặn free dive (khó gấp mấy lần scuba diving), người chơi dù lượn, người làm bộ đội xuất ngũ. Có đi mới thấy mình còn kém lắm. Vì mấy bạn trong nhóm kỹ năng giao tiếp, sức khỏe và kỹ năng sinh tồn cực kỳ tốt. Họ phân biệt được rất tốt các loại cây trong rừng, biết được nước nào uống được nước nào không, biết sử dụng tracklog, la bàn, định vị rất tốt, biết nơi nào có rắn hay không có rắn, chỗ nào phù hợp để dựng lều hạ trại, biết ứng phó trong các tình huống, mua gạo của thợ rừng khi hết lương thực, xuống đồi chặt tre lên nấu cơm lam khi không có nồi nấu cơm. Họ vác mấy chục ký hành lý đi phăm phăm, hành quân thần tốc, còn mình thì chạy theo muốn hụt hơi.
Vài lưu ý cho những bạn muốn đi:
Tác giả: Blogger Rosie Nguyen
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người.
Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka.
Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal