Con đường tơ lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng có từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, nối liền phương Đông với phương Đông hay Châu Á với Châu Âu. Nó bắt đầu từ Trường An (nay là Tây An) ở Trung Quốc, băng qua Trung Á, Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Irag, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa trung hải và đến tận Châu Âu. Con đường tơ lụa phát triển cực thịnh trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1453, khi đế chế Ottoman tẩy chay thương mại với phương Tây và đóng cửa các tuyến đường thì con đường tơ lụa dần lụi tàn. Trong suốt hơn 1.500 năm chiều dài lịch sử, con đường tơ lụa vĩ đại là tuyến đường thông thương quan trọng nhất của nhân loại thời cổ đại. Nó đã góp phần to lớn vào công cuộc giao lưu chính trị, kinh tế và văn hóa giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, Tây Á, Ấn Độ, La Mã và châu Âu.
Con đường tơ lụa vĩ đại là tuyến đường thông thương quan trọng nhất của nhân loại thời cổ đại
Không thể diễn tả hết được sự tài giỏi của người xưa khi khai thông ra con đường vận chuyển hàng hóa – giao thương buôn bán dài đằng đẵng, khắc nghiệt và cũng kỳ diệu này. Tuy nhiên, con đường tơ lụa quá dài (gần 7.000km) và rộng lớn, trải dài trên nhiều quốc gia. Vì vậy, cần vài năm mới có thể đi được hết những điểm chính. Trong bài viết lần này tôi sẽ chỉ đề cập tới kinh nghiệm du lịch con đường tơ lụa ở Trung Quốc, bắt đầu từ thành phố Tây An – nơi khởi đầu của con đường tơ lụa nổi tiếng tới Trương Dịch rồi băng qua khu vực Tân Cương gồm Turpan, Đôn Hoàng, Kashgar, Khâu Từ.
Tây An là nơi khởi đầu của Con đường tơ lụa
Tây An là cố đô của Trung Quốc, các triều đại Chu, Tây Hán, Tần, Tùy, Minh, Đường đều lấy Tây An làm kinh đô. Tây An cũng là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để bắt đầu chuyến đi dài cả năm trời đến Đôn Hoàng, Kashgar và xuyên qua nhiều quốc gia tới tận La Mã. Tây An của hiện tại là sự pha trộn giữa quá khứ huy hoàng và hiện đại phát triển. Bạn sẽ thấy rất thú vị khi giữa các tòa nhà cao tầng, xe cộ đi lại như mắc cửi là thành cổ Tây An được xây dựng năm 1370. Tây An còn có rất nhiều những địa danh nổi tiếng như Hoa Sơn, hang đá Mạch Tích Sơn, mộ vua Tần Thủy Hoàng, khu Binh Mã dũng, mộ Vua Hán Vũ Đế, Dương Quý Phi, tháp Đại Nhạn, khu phố người Hồi, lầu Chuông, lầu Trống…
Ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng Mã Đề nằm trong lòng một ngọn núi đá
Trương Dịch là Cam Châu trong thời con đường tơ lụa, các thương nhân từ Trường An tới Đôn Hoàng sẽ đi qua Cam Châu. Vùng đất này từng là trung tâm thương mại quan trọng trong triều đại nhà Tùy và nhà Đường. Đại sư Huyền Trang và Marco Polo đều đã từng dừng chân ở đây. Ngày nay, Trương Dịch rất nổi tiếng với Địa mạo Đan Hà núi Cầu Vồng kỳ ảo, Băng Câu Đan Hà, đặc biệt là ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng Mã Đề nằm trong lòng một ngọn núi đá.
Thành cổ Giao Hà ở Turpan
Nằm trên tuyến đường con đường tơ lụa, vào giai đoạn đầu của nhà Đường, Turpan từng là chốn phồn hoa đô hội, người qua kẻ lại đông nườm nượp vì đây là ốc đảo xanh tốt, giàu có giữa lòng sa mạc. Nơi đây từng tồn tại vương quốc Cao Xương, vương quốc Xa Sư (Jushi Kingdom) với thành cổ Giao Hà, chùa hang đá Bezeklik được xây dựng từ thời Nam Bắc triều thế kỷ 5 cho đến thời nhà Nguyên thế kỷ 14. Bezeklik có 77 hang động với hơn 1.000 bức bích họa vẽ những điển tích Phật giáo, cuộc sống hằng ngày của người dân Turpan, thương nhân trên con đường tơ lụa, nghi thức hoàng gia.
Hang Mạc Cao là kho báu trên con đường tơ lụa
Đôn Hoàng là thị trấn quan trọng bậc nhất đối với Trung Nguyên (Trung Quốc cổ đại) trên con đường tơ lụa, là cửa ải cuối cùng của Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực (Tân Cương ngày nay).Thông qua con đường tơ lụa, các nhà truyền giáo, thương nhân, thợ thủ công, tín đồ Phật giáo hành hương từ khắp Ba Tư, Trung Á, Tây Á, Ấn Độ, châu Âu đã tiến vào Đôn Hoàng. Vì vậy, Đôn Hoàng đã trở thành điểm giao thoa tôn giáo, thành kho lưu trữ, trao đổi văn hóa – nghệ thuật, văn học của Trung Quốc, Trung Á và phương Tây. Cuộc gặp gỡ sôi động của các nền văn hóa này đã tạọ ra báu vật nghệ thuật là hang Mạc Cao. Ngoài ra cảnh quan thiên nhiên của Đôn Hoàng cũng rất ấn tượng như Nguyệt Nha tuyền, công viên địa chất Yardang, phế tích từ thời con đường tơ lụa như Dương quan, Ngọc Môn quan, Hán trường thành…
Kizil là ngôi chùa hang đá đấu tiên của Trung Quốc ở Khâu Từ
Khâu Từ nằm trên một vị trí rất đắc địa, đây là nơi bốn nền văn minh lớn gặp nhau, gồm Trung Hoa, văn minh Kushan (Quý Sương) của Nam Á, Sogdiana (Túc Đặc) của Ba Tư và Hãn quốc Đột Quyết của người du mục. Thêm vào đó, Khâu Từ nằm trên giao lộ của con đường tơ lụa, thương nghiệp nở rộ đi cùng với sự phát triển rực rỡ của thủ công nghiệp. Vì vậy, Khâu Từ là quốc gia có nền văn hóa phát triển mạnh mẽ và giàu có nhất Tây Vực thời cổ đại. Nơi này có chùa hang đá đầu tiên của Trung Quốc - thiên phật động Kizil được xây dựng vào thế kỷ thứ 3. Giá trị to lớn của di tích này nằm ở các bức bích họa, phong cách nghệ thuật đậm màu sắc tín ngưỡng Phật giáo Đại thừa – đặc trưng của nghệ thuật Khâu Từ, là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về quốc gia này. Ngoài ra còn có phế tích Subash, hẻm núi Thiên Sơn, thánh đường Khâu Từ lớn thứ 2 ở Tân Cương.
Kashgar từng là trung tâm buôn bán lớn đầu tiên của Trung Hoa ở cửa ngõ phía Tây
Kashgar từng là trung tâm buôn bán lớn đầu tiên của Trung Hoa ở cửa ngõ phía Tây trước khi tới Đôn Hoàng, Turpan, Tây An. Các đoàn lữ hành đã vận chuyển lụa, gia vị, vàng, đá quý… giữa Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) tới Trường An (nay là Tây An) đều phải đi qua Kashgar. Ngày nay, Kashgar là một thành phố thương mại phồn vinh, cũng là đầu mối giao thông quan trọng ở phía Tây Trung Quốc. Mặc dù thành phố đã và đang hiện đại hóa nhưng vẫn gìn giữ được những công trình của lịch sử như thánh đường Hồi giáo Id Kah, khu lăng mộ của nhà truyền giáo Hồi giáo nổi tiếng Afāq Khoja và gia tộc của ông, khu chợ gia súc và chợ Chủ nhật có từ thời con đường tơ lụa.
Mùa thu là thời điểm lý tưởng để du ngoạn con đường tơ lụa
Con đường tơ lụa trải dài trên nhiều tỉnh nên mỗi nơi sẽ có khí hậu khác nhau. Nếu bạn bắt đầu đi từ Tây An tới tận Kashgar thì tháng 4-5 và tháng 10-11 là thời điểm lý tưởng (tuy nhiên các bạn nên tránh đi Trung Quốc vào dịp nghỉ lễ Lao động 1-3/5 và nghỉ lễ Quốc khánh 1-7/10 vì người sẽ đông nghìn nghịt). Thời tiết lúc này không quá lạnh hay quá nóng, ít khách du lịch và đặc biệt vào mùa thấp điểm tháng 11 giá vé vào cửa các địa điểm tham quan đa số sẽ giảm một nửa.
Tháng 6-8 đa số các địa điểm trên con đường tơ lụa đều rất nóng đặc biệt là ở những nơi có sa mạc như Turpan. Nhiệt độ có thể lên tới 45 độ c nên việc di chuyển, tham quan rất vất vả và mất nhiều sức.
Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3 nhiều nơi có tuyết, trời rất lạnh, di chuyển đi lại khó khăn.
Để khám phá con đường tơ lụa ở đất nước Trung Quốc bạn cần phải có visa. Bạn có thể xin visa thông qua các công ty du lịch hoặc tự nộp tại Đại sứ quán/lãnh sự quán ở Hà Nội, Hồ Chí Minh. Hồ sơ xin visa gồm có: hộ chiếu, ảnh thẻ, vé máy bay khứ hồi, chứng minh công việc, chứng minh thu nhập, xác nhận lưu trú ở khách sạn. Sau khi thanh toán lệ phí 60usd (tương đương 1.400.000VND) cho visa du lịch loại 3 tháng nhập cảnh 1 lần, từ 7-10 ngày làm việc bạn sẽ nhận được visa.
Rào cản lớn nhất khi đi du lịch Trung Quốc là ngôn ngữ. Người dân Trung Quốc gần như không nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ thứ tiếng gì khác ngoài tiếng Trung Quốc. Nếu bạn biết tiếng Trung thì việc tự đi du lịch sẽ suôn sẻ nhưng nếu bạn không biết tiếng thì chuyến đi sẽ mất thêm rất nhiều thời gian và công sức. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy bất lực vì không hiểu người ta đang nói gì và làm sao để mình diễn đạt cho người đối diện hiểu mình muốn gì. Nếu đi theo tour thì bạn sẽ không phải lo lắng gì vì sẽ có phiên dịch nhưng nếu bạn tự đi theo nhóm thì trong nhóm ít nhất phải có một người nói được tiếng Trung. Nếu bạn đi một mình thì hãy học vài từ tiếng Trung cơ bản và cài sẵn ứng dụng dịch thuật sẵn trong máy điện thoại.
Đồng tiền Trung Quốc là Nhân dân tệ. Tỉ giá tháng 12/2021: 1 tệ = 3583 đồng
Bạn nên đổi tiền nhân dân tệ sẵn từ Việt Nam. Bạn cũng nên mang theo USD trong chuyến đi vì USD là loại tiền các ngân hàng hay quầy đổi tiền ở mọi nước đều chấp nhận.
Hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc cực kỳ hiện đại
Máy bay:Cách nhanh nhất là bạn hãy bay tới các thành phố trên con đường tơ lụa. Bạn có thể bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Urumqi tới Tây An, Trương Dịch, Đôn Hoàng, Kashgar…Trung Quốc có rất nhiều hãng máy bay nội địa như China Southern, China Eastern, Air China, Sichuan Airlines… để bạn tham khảo giờ bay và giá vé phù hợp với chuyến đi.
Tàu cao tốc:Điều khiến tôi ngạc nhiên và thán phục nhất chính là hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc. Gần như tàu cao tốc đều chạy qua các thành phố chính trên con đường tơ lụa vì vậy bạn hãy tận dụng phương tiện này. Trang web tích hợp những dịch vụ du lịch như đặt vé tàu, xe bus, khách sạn, thuê xe có tên là Ctrip.com, phiên bản tiếng Anh là Trip.com có giao diện thân thiện, rõ ràng và khoa học. Tàu rất hiện đại, sạch sẽ và chạy đúng giờ. Giá vé rẻ hơn vé máy bay một chút nhưng đôi khi có nhiều khung giờ chạy hợp lý và thời gian còn nhanh hơn so với máy bay.
Xe bus: Di chuyển giữa các địa điểm có xe bus công cộng, xe bus đường dài. Bạn có thể kiểm tra giá vé, hãng xe bus, địa điểm xuất phát từ bến nào, thời gian đi bao lâu trên ứng dụng Trip.com
Thuê xe riêng: Nếu bạn đi nhóm đông, bạn nên kết hợp cả máy bay, tàu cao tốc, tàu thường để đến một tỉnh nào đó, sau đó bạn thuê xe ô tô riêng khám phá những địa danh của tỉnh đó. Nếu trong nhóm không có ai biết tiếng Trung bạn nên thuê phiên dịch đi kèm để có thể trao đổi thông tin trên đường đi. Bạn có thể thuê xe luôn trên ứng dụng Trip.com
Từ Tây An tới Kashgar đều có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay từ bình dân tới 5 sao.
Bạn có thể xem review, lựa chọn phòng phù hợp và đặt phòng trực tiếp qua trang web du lịch của Traveloka.
Để đi từ Tây An tới Kashgar bạn cần ít nhất 2 tuần. Nếu bạn có một tuần thì bạn chỉ nên tập trung vào 3 thành phố ví dụ như Tây An, Trương Dịch, Đôn Hoàng hoặc Turpan, Kashgar và Khâu Từ. Nếu bạn có 2 tuần thì lịch trình gợi ý như sau:
Ngày 1- 2: Tây An. Tham quan thành cổ Tây An, bảo tàng lịch sử Thiểm Tây, tháp Đại Nhạn, khu phố người Hồi và đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng.
Ngày 3: Tham quan Mạch Tích Sơn - địa điểm có nhiều tượng và tranh Phật giáo được khắc trên đá hoặc tới núi Hoa Sơn nổi tiếng cách Tây An hơn 100km.
Ngày 4-6: Khám phá Trương Dịch với hai địa danh nổi tiếng là Núi cầu vồng và Băng câu Đan Hà, chùa phật giáo Tây Tạng Mã Đề được khoét sâu vào núi đá, hẻm núi Pingshan, chùa Đại phật.
Ngày 7-8: Đôn Hoàng với hang Mạc Cao, ốc đảo xanh giữa sa mạc Nguyệt Nha Tuyền, trượt cát trên đồi cát Minh Sa, thăm trường thành còn sót lại từ thời nhà Hán, cửa ải Ngọc Môn, Dương Quan và công viên địa chất Yardang.
Ngày 9: Turpan với thành cổ Giao Hà, Cao Xương, Tháp Tô Công và làng cổ Toyuk.
Ngày 10-12: Tới Kashgar tham quan thánh đườngIdKah, khu lăng mộ gia tộc Afāq Khoja, khu phố cổ, chợ gia súc, chợ Chủ Nhật.
Ngày 13-14: Khâu Từ với thiên phật động Kizil, thánh đường Khâu Từ và hẻm núi Thiên sơn.
Vé máy bay: từ 500-700USD (tương đương từ 11.700.000-16.500.000VND) tùy thời điểm bạn mua vé.
Lưu trú: từ 10-30USD/người (tương đương 230.000-700.000VND).
Ăn uống: từ 20USD/người/ngày (tương đương 450.000VND).
Chi phí đi lại: bằng các phương tiện công cộng như tàu, tàu cao tốc, taxi, bus: 5-10 USD/người/ngày (tương đương 115.000-230.000VND).
Khu phố ẩm thực của người Hồi ở Tây An
Bánh mì Naan rất phổ biến ở Tân Cương
Ở khu vực các tỉnh thuộc khu vực Tân Cương, người dân đa số là đạo Hồi và giáp với Trung Á nên bạn hãy thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng đất này:
- Pilaf: món ăn được nấu từ gạo, cà rốt, thịt cừu, ớt, hành tây cùng khá nhiều dầu mỡ, đun lửa liu riu trong vài tiếng đồng hồ. Pilaf thường được phục vụ kèm một đĩa rau củ muối chua và gia vị để trung hòa chất béo và kích thích vị giác cho người dùng. Một phần Pilaf khá rẻ, chỉ khoảng 20 tệ (tương đương 70.000 VND).
- Kebab thịt cừu nướng: đơn giản chỉ là những miếng thịt cừu xiên trên que và nướng trên than củi, để ăn đỡ bị ngán thì cứ một miếng thịt nạc sẽ xen kẽ một miếng mỡ cừu. Đặc biệt, giá của món ăn này rất rẻ, chỉ từ 3–7tệ (tương đương 12.000 – 20.000 VND) cho một xiên thịt thơm lừng, nóng hổi.
- Lagman: món mì nổi tiếng của người Duy Ngô Nhĩ, sợi mì được làm từ bột, nước, muối và dầu, sau khi được luộc chín với nước sẽ dai, mềm, ăn kèm với hỗn hợp nước sốt gồm hành tây, ớt, thịt cừu, rau cải, gia vị, hạt tiêu, ớt bột. Lagman có giá từ 15–25 tệ/phần (tương đương 50.000 – 80.000VND)
- Bánh mì Naan: đây là loại bánh mì vô cùng quen thuộc ở các nước Trung Á và Nam Á. Nguyên liệu để làm bánh Naan bao gồm bột, nước, muối, dầu và một chút đường. Naan có giá từ 3–5 tệ/chiếc (tương đương 10.000–15.000VND)
Khi tham quan con đường tơ lụa ở khu vực Tân Cương bạn hãy lưu ý những điều sau:
- Ở Tân Cương việc kiểm soát khá chặt chẽ, ở ga tàu, trên đường đi, trước mỗi điểm tham quan đều có trạm kiểm soát vì vậy bạn hãy luôn mang theo hộ chiếu, bản photo hộ chiếu bên mình.
- Bạn không nên mua dao Duy Ngô Nhĩ ở Kashgar nếu còn di chuyển nhiều nơi trong nội địa Trung Quốc, vì khi lên tàu hoặc máy bay tới những địa điểm khác, hải quan sẽ tịch thu ngay lập tức. Loại dao này không được mang ra khỏi Tân Cương bằng đường máy bay, cho dù có gửi hành lý. Cách duy nhất là gửi bằng đường bộ về Việt Nam.
- Khi tham quan các di tích của người Hồi giáo, bạn lưu ý không mặc quần áo ngắn, bạn nên mang theo một chiếc khăn quàng bản rộng để nếu có lỡ mặc áo không tay thì có thể quấn khăn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định. Nếu bạn muốn chụp ảnh với người dân bản địa nên xin phép họ trước.
______________________________________________________________________________
Bài viết hợp tác giữa Traveloka và blogger Trần Hồng Ngọc.
Bản quyền nội dung và tất cả hình ảnh trong bài viết thuộc sở hữu của Traveloka. Vui lòng không sao chép hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự đồng thuận của Traveloka.
______________________________________________________________________________