Khám phá Đồng Xuân - Đà Lạt - Bến Thành, những khu chợ lâu đời dọc miền đất nước

Sói
08 Jul 2024 - Đọc trong khoảng 14 phút

Với mình, chợ là nơi gắn liền với ký ức tuổi thơ, là mỗi dịp mình háo hức được xách làn “theo đuôi” mẹ rong ruổi quanh các sạp hàng, là những gian hàng ngăn nắp với những món ăn vặt giản dị mà cực hấp dẫn, là tiếng mời chào nhộn nhịp của các bà, các cô. Những ký ức ấy vẫn như còn mãi trong tâm trí đứa trẻ chẳng chịu lớn là mình. Sống xa nhà, được khám phá nhiều vùng đất mới càng khiến mình nhận ra những khu chợ Việt Nam đều chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo riêng. Chợ Việt Nam được hình thành ngay từ những ngày lập quốc, thời vua Hùng dựng nước. Chợ không chỉ là địa điểm giao thương trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng miền.

Hôm nay mình sẽ dẫn bạn khám phá Đồng Xuân - Đà Lạt - Bến Thành, những khu chợ lâu đời nhất Việt Nam, để cảm nhận nhịp sống đầy màu sắc dọc miền Nam Bắc Tổ quốc. Hãy cùng bắt đầu với mình nha.

Chợ Đồng Xuân

Với tuổi đời hàng trăm năm, chợ Đồng Xuân không chỉ là trung tâm buôn bán nhộn nhịp của người dân Hà thành, mà còn là điểm du hút khách du lịch nước ngoài.

Chụp ảnh áo dài ngày Tết

Góc bậc thang signature ở chợ Đồng Xuân

Thuộc địa phận phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, ngay khu vực trung tâm phố cổ, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 1km về phía Tây Bắc, các ngày trong tuần từ thứ 2 - thứ 5, chợ mở cửa từ 6h00 - 18h00, đặc biệt vào dịp cuối tuần thứ 6 - chủ nhật, giờ mở cửa sẽ muộn hơn đến 22h30 để phục vụ nhu cầu mua sắm và tham quan tăng cao của khách hàng.

Khu chợ bên trong

Hàng quán đông đúc tại khuôn viên ngoài của chợ Đồng Xuân

Còn được biết đến với tên gọi chợ Lớn từ những năm đầu 1800, khi triều đình nhà Nguyễn muốn cải thiện tình hình giao thương của tàu thuyền nên đã cho khởi công xây dựng khu chợ ở phía nam sông Tô Lịch. Từ năm 1889 - 1890, dưới sự cai trị của chính quyền Pháp thuộc, chợ được di dời và xây dựng trên một mảnh đất trống ở phường Đồng Xuân với kiến trúc Pháp. Đặc trưng nổi bật là năm nhà cầu với năm vòm cửa hình tam giác thiết kế theo dạng lỗ tổ ong để lưu thông không khí và ánh sáng. Hiện nay diện tích chợ đã được mở rộng với trên 16,000m2 và hơn 2000 gian hàng.

Tạo dáng bên gian hàng vải.

Tạo dáng bên gian hàng vải.

Mình thật sự ấn tượng với không gian và cách bày trí hàng quán bên trong chợ. Với vòm trần cao và thoáng, các cửa hàng được phân loại theo mặt hàng rất ngay ngắn giúp mình dễ dàng tìm kiếm món đồ muốn mua:

Tầng một bày biện các mặt hàng điện tử cùng giày dép, quần áo, túi xách, phụ kiện thời trang.
Tầng hai là các gian hàng bán vải vóc và quần áo cho người lớn.
Tầng ba sẽ bán các mặt hàng dành cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra sẽ có khu vực phía sau chợ Đồng Xuân bán vật nuôi cảnh và phụ kiện liên quan, khu vực chợ Bắc Qua bán các mặt hàng thực phẩm và ăn uống. Việc phân chia này còn đem lại sự đảm bảo vệ sinh giữa các khu vực hàng hóa với nhau.

Thong dong trong sự nhộn nhịp của chợ

Bước thong dong trong chợ.

Đồng Xuân cũng được mệnh danh là thiên đường ẩm thực của đất Hà Thành, các bạn đừng quên một vòng food tour quanh chợ với những món đặc sản thủ đô như cháo sườn, bún ốc, bún chả, bánh tôm,.. Phía sau chợ còn có nhiều góc check-in vintage với những bậc cầu thang cùng dãy nhà tập thể là background vô cùng độc đáo các bạn cũng đừng bỏ lỡ nha.

Những gian hàng giản dị gần gữi với người dân

Những gian hàng đơn sơ giản dị

Chợ Đà Lạt

ghé thăm chợ vào ngày nắng

Nắng tháng 12 dịu ngọt tại chợ Đà Lạt

Đón chúng mình bằng tiết trời tuyệt đẹp giữa tháng 12, bầu trời xanh ngát, những cơn gió se lạnh hòa trong cái nắng vàng dịu ngọt, Đà Lạt còn dễ thương và thân thiện qua những nhộn nhịp đời thường ở khu chợ trung tâm thành phố. Chợ Đà Lạt nằm tại số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, chỉ cách hồ Xuân Hương chừng năm phút đi bộ.

Khu chợ luôn đông vui tấp nập

Khu chợ luôn đông vui tấp nập

Thời gian mở cửa là từ sáng sớm đến khoảng 18h00 hàng ngày, tuy nhiên khu vực bán hàng đặc sản trong chợ có thể mở cửa đến 21h00 - 22h00 tùy vào nhu cầu của du khách. Riêng khu vực chợ đêm mở muộn hơn thì sẽ được tập trung ở bên ngoài chợ. Chợ Đà Lạt có nhiều đổi thay trong kiến trúc, vật liệu xây dựng và quy mô từ năm 1929 đến nay. Ban đầu, chợ mang tên là chợ Cây với thiết kế và vật liệu đơn giản từ mái tôn, ván gỗ. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của chợ đã được hoàn thiện hơn sau nhiều lần nâng cấp với các cầu nổi bê tông cùng công viên khang trang phía trước.

Xa xa là những tòa nhà chọc trời

Là một ngày đẹp trời để xách túi đi chợ

Diện mạo mới này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân buôn bán mà còn là điểm đến thú vị thu hút nhiều khách du lịch.

Gian hàng đặc sản Đà Lạt

Đặc sản dâu tây Đà Lạt

Khu vực ngoài chợ là các gánh hàng nhỏ với nhiều mặt hàng đa dạng như hoa tươi, rau củ vô cùng bắt mắt.

Những gánh hàng đơn giản mộc mạc

Những gánh hàng rong giản dị ngoài chợ

Khu vực trong chợ được chia làm hai khu nhỏ A và B với các gian hàng được phân chia theo từng mặt hàng cụ thể giúp người mua dễ dàng tìm kiếm:

Tầng trệt khu A: bánh kẹo, hoa tươi, trái cây, đặc sản đồ khô, giò chả
Lầu một khu A: quần áo, vải vóc, điện máy, hàng thủ công
Tầng trệt khu B: bách hóa lương thực, thực phẩm, gia vị, rau củ
Tầng lửng khu B: cửa hàng ăn uống bình dân
Lầu một khu B: giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồ sành, đồ sứ
Các gian hàng trong chợ

Những sạp hàng trong chợ

Những thức quà hấp dẫn

Những món đồ khô hấp dẫn

Chúng mình đặc biệt ấn tượng với khu ẩm thực bình dân tại tầng lửng khu B. Nơi đây tập trung nhiều hàng ăn của các cô chú sinh sống lâu năm ở Đà Lạt nên giá cả vô cùng phải chăng, mọi người phục vụ cũng rất dễ thương

Kem bơ

Ly kem bơ ngon tuyệt cú mèo

Mình cực thích ly kem bơ tại quán Phụng, vị bơ tươi ngon, béo ngậy hòa quyện với vị kem ngọt vừa phải, thật là món quà tuyệt vời sau một vòng mỏi chân khám phá quanh chợ. Ngoài ra bạn cũng đừng bỏ lỡ những món ngon khác đậm chất Đà Lạt như bánh tráng nướng, sữa đậu nành, bánh ướt lòng gà, bánh mì xíu mại,... và ủng hộ các cô chú địa phương nha.

Góc check-in quen thuộc của các bạn trẻ khi tới chợ

Góc check-in quen thuộc tại chợ Đà Lạt

Chợ Bến Thành

Cửa chính phía Nam chợ Bến Thành

Cửa chính phía Nam chợ Bến Thành

Chạy dọc đất nước về phía Nam, chúng mình gặp Bến Thành vào một ngày nắng tháng 9 vàng ươm. Bài viết này mình chỉ đề cập đến chợ Bến Thành mới nha, được xây dựng từ năm 1912, đến năm 1914 chợ chính thức được mở cửa. Trải qua gần 100 năm hoạt động, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của thành phố mang tên Bác, chợ Bến Thành không chỉ là địa điểm trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao thoa văn hóa vùng miền. Chợ nằm ở trên đường Lê Lợi, quận 1, tại nút giao với đường Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và Phan Bội Châu.

chợ Bến Thành từ ngoài nhìn vào

Nút giao giữa những con đường nhộn nhịp phía trước cổng chợ

Kiến trúc bên trong chợ

Kiến trúc phía trong chợ

Chợ Bến Thành mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ 6h00 - 22h00 tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan mua sắm. Kiến trúc của chợ được thiết kế theo kiểu nhà lồng với năm gian hàng lớn, bốn cửa chính và 12 cổng phụ. Bốn cửa chính của chợ được mở tại những cung đường nhộn nhịp, được phân chia theo các gian hàng với nhiều mặt hàng đa dạng:

Cửa Đông: thuộc đường Phan Bội Châu, tập trung nhiều mặt hàng bánh kẹo và mỹ phẩm
Cửa Tây: nằm trên đường Phan Chu Trinh, các gian hàng bày bán giày dép, đồ lưu niệm và thủ công mỹ nghệ
Cửa Bắc: hướng về đường Lê Thánh Tôn, thiên đường của các loại hoa quả tươi và thực phẩm tươi sống
Cửa Nam: nằm trên trục đường Lê Lợi, hướng về quảng trường Quách Thị Trang, được coi là cổng chính của chợ, với thiết kế hình tháp đồng hồ vô cùng độc đáo. Nơi đây bày bán phong phú nhiều loại thực phẩm khô, quần áo và vải vóc
Những gian hàng ngăn nắp, chỉn chu

Những gian hàng ngăn nắp, gọn gàng

Mặt hàng khô đa dạng

Những mặt hàng khô đa dạng

Chúng mình đặc biệt thích thú với hình ảnh 12 bức phù điêu được đặt ở bốn cửa chợ Bến Thành. Mỗi cửa có ba bức: hai bức nhỏ ở dưới và mộc bức lớn ở trên. Mỗi bức lại mang một biểu tượng và ý nghĩa khác nhau: tại cửa đông là bò với vịt, cửa tây là cá đuối và nải chuối, cửa bắc là vịt xiêm và nải chuối, cửa nam là bò và cá chép. Tất cả đều được chế tác rất công phu với màu men vô cùng độc đáo.

Một góc chụp khác của chợ Bến Thành

Bức phù điêu tại cửa chính phía Nam

Và chắc hẳn ai đến chợ Bến Thành cũng không thể bỏ lỡ thiên đường ẩm thực nơi đây, dạo một vòng quanh chợ, chúng mình đã có một chiếc bụng căng tròn mãn nguyện, từ các món mặn như cơm tấm, gỏi cuốn, bánh canh đến ăn vặt, tráng miệng như bánh bèo, bánh tráng trộn, bánh xèo, chè kem, trái cây,....

Trái cây tươi ngon

Thiên đường trái cây

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Một Bến Thành giữa phố thị nhộn nhịp nhưng rất nhiệt tình, thân thiện đã cho chúng mình một trải nghiệm vô cùng dễ thương, đáng nhớ.

Nếu đang chuẩn bị cho chuyến du lịch Đà Lạt sắp tới, bạn yêu đừng quên đặt vé máy bay đi Đà Lạt hoặc xe đi Đà Lạt trên Traveloka để có ưu đãi tốt nhất nhé!

Những lưu ý khi tham quan:

Vì là nơi tập trung đông người buôn bán nên không thể tránh khỏi tình trạng hy hữu như trộm cắp, các bạn hãy chú ý giữ gìn đồ đạc cá nhân của mình cẩn thận nhé

Đa số chợ Việt Nam vẫn có trường hợp nói thách giá cao hơn bình thường, nên các bạn hãy cân nhắc trả giá trước khi mua nhé

Các chợ đều có rất nhiều cửa và bãi đỗ xe, nên nếu các bạn di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến tham quan chợ thì hãy nhớ chụp ảnh lại nơi gửi xe để dễ dàng tìm kiếm lúc ra về nhé (đừng như chúng mình suýt lạc mất chiếc xe máy ở chợ Đà Lạt)

Các bạn có thể cân nhắc lựa chọn mua giỏ xách với giá từ 10.000VND - 20.000VND để vừa đựng được nhiều đồ mà còn bảo vệ môi trường nữa nha.

Mỗi khu chợ đều có những nét đặc trưng riêng nhưng ở đâu, chúng mình cũng tìm thấy sự thân thiện, dễ mến và đáng yêu. Mình nhận ra, nếu muốn tìm hiểu một vùng đất mới, hãy đi chợ địa phương để có cảm nhận chân thực nhất. Và hơn hết, ẩm thực ở chợ Việt Nam là một điều vô cùng hấp dẫn không thể bỏ qua. Mong rằng bài viết này đem đến cho các bạn những gợi ý hữu ích trong trải nghiệm du lịch sắp tới của mọi người nha.

Tác giả: Hà Thị Hồng Ngát

*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://trv.lk/golocal

Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký