0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

16 Oct 2021 - 18 min read

Hành trình chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya - Lòng chảo ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên

Có một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng triệu năm trước, hiện đang ẩn mình trong cái xanh đại ngàn của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Đó chính là Chư Đăng Ya. Đến Pleiku, nhất định phải thử một lần chinh phục và cảm nhận sự hoang sơ, kì bí của núi lửa Chư Đăng Ya.

Lòng chảo núi lửa Chư Đăng Ya.

Người ta cứ mải chạy theo cái bóng của những miền đất du lịch nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt,… và rồi lãng quên những mảnh đất hoang sơ, trong lành và chưa bị con người tác động đến nhiều. Nếu đã có dịp đi tới Tây Nguyên thì đừng bỏ qua phố núi Pleiku, mảnh đất cao nguyên hoang dã, hùng vĩ, trù phú bậc nhất của tỉnh Gia Lai. Pleiku là một vùng kinh tế trọng điểm và là thành phố quan trọng bậc nhất của phía bắc Tây Nguyên.

Pleiku là một mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, và có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ trong tương lai. Được biết từ lâu ở Pleiku có một khu vực có tên là Chư Đăng Ya - Một nơi được nhắc đến rất nhiều khi đến Pleiku vì nơi đây là một khu vực của một cái núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước.Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Thổ nhưỡng ở đây rất giàu khoáng chất, rất phù hợp để trồng ngô, khoai, bí đỏ… Cảnh sắc thiên nhiên xung quanh Chư Đăng Ya rất đa dạng, tự nhiên. Lần này tới đây, chúng tớ dành một ngày để đi trekking, hãy cùng theo chân hành trình khám phá núi lửa Chư Đăng Ya cùng chúng tớ nhé!

Chư Đăng Ya

Cà phê xứ Pleiku huyền thoại

Đường tới núi lửa

Núi lửa Chư Đăng Ya ẩn mình trong những cánh rừng xanh hùng vĩ, thuộc làng Plơi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh - cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 23 km theo hướng Đông Bắc. Trên đường đi đến núi lửa, bạn sẽ đi qua rất nhiều con đường rợp bóng cây hai bên đường, những đồi cà phê rộng bạt ngàn với những chùm cà phê sai trĩu cành. Dừng chân lại bên đường, bạn hãy thử một lần được nhìn tận mắt những chùm cà phê, chạm vào và cảm nhận. Đối với những đứa nghiện cà phê như chúng tớ, đó chính là một thứ cảm giác vô cùng tuyệt vời.

Chư Đăng Ya

Những chùm cafe trĩu cành

Chư Đăng Ya

Hái mấy quả cafe làm kỷ niệm

Những đồi chè xanh ngút ngàn, rộng khắp hai bên đường đi. Chè xanh là một sản vật đặc trưng cho khí hậu, đất đai ở vùng cao. Rẽ vào lối một con đường đất, với hai hàng cây xanh rợp bóng mát để nghỉ chân và ngắm nghía nhìn những ngọn chè non xanh mơn mởn đang đón ánh nắng cảm thấy khoẻ lên hẳn. Với cảnh sắc hữu tình như này, không làm vài bô ảnh kỉ niệm thì thật là phí, giơ máy lên thôi nào!

Chư Đăng Ya

Tạch! Con đường đất

Chư Đăng Ya

Tạch! Biển chè xanh ngút ngàn

Chư Đăng Ya

Tạch! Mấy em nhỏ đi học về

Hành trình chinh phục núi lửa

Chúng tớ đi vào mùa mưa nên hành trình chinh phục núi lửa Chư Đăng Ya đã khó nay càng thêm khó hơn. Lời khuyên cho bạn là nên đi vào mùa khô, khi đó chuyến trekking của bạn sẽ dễ dàng hơn nhé! Chúng mình vào nhà gửi xe lúc mặt trời gần lên đỉnh, khi đó chú bảo vệ bảo đường vừa mới mưa, đường đất nên khá khó đi. Chú chỉ cho chúng mình một con đường di chuyển ngắn hơn và có thể đi bộ lên được, chuẩn bị cho mỗi người một chai nước và chúng tớ bắt đầu những bước chân di chuyển đầu tiên. Chúng tớ gọi hành trình này là một bản nhạc đầy cảm xúc với những nốt nhạc mang âm hưởng khác nhau….

Nốt nhạc đầu tiên: Con đường đất sình lầy

Chư Đăng Ya

Con đường sình lầy lên núi lửa

Đầu tiên, chúng tớ phải trải qua một con đường đất dài chừng 1km, hai bên đường là ruộng nương, cỏ mọc um tùm, thật sự lâu lắm rồi mới được tận hưởng cảm giác dễ chịu của vùng cao. Con đường có khá nhiều vũng lầy, nếu di chuyển không cẩn thận là rất dễ bị trơn trượt, cảm giác bị ngã ở đây thì thật sự rất “yomost”. Chân chúng tớ bắt đầu lấm lem bùn đất khá khó chịu, tớ chợt nghĩ đến bản nhạc rock một người anh của mình giới thiệu: bất cứ khi nào mày thấy mệt mỏi hay bế tắc, hãy nghe bản nhạc “It's my life” của Bon Jovi chắc chắn mày sẽ cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn . Lên nhạc, chúng tớ cảm thấy sung sức hơn hẳn, thoáng đã tới điểm dừng chân để chuẩn bị leo những con dốc đầu tiên. Con đường sình lầy lên núi lửa

Chư Đăng Ya

Những bàn chân bắt đầu nấm bùn đất

Chư Đăng Ya

Điểm dừng chân, cũng là điểm bắt đầu với những con dốc

Nốt nhạc thứ hai: Những con dốc đứng

Con đường đất bằng phẳng, rồi những con dốc thoải, tiếp đến là những con dốc đứng giống như một bản nhạc giao hưởng lúc trầm, lúc bổng đưa chúng tớ đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, rất “feeling”! Đi đến đây thì không thể lơ là được, chúng tớ phải thật cẩn thận trong từng bước đi vì đường rất trơn - lỡ chân một cái là trượt dốc ngay.

Chư Đăng Ya

Những con dốc đầu tiên

Chư Đăng Ya

Dốc thoải nối tiếp dốc đứng

Việc di chuyển khó khăn dần lên như việc ngân một nốt cao hơn trong bản nhạc, nhưng tinh thần của chúng tớ ngày càng cao hơn. Càng lên cao, cảnh vật xung quanh càng mở rộng hơn trước mắt chúng tớ. Bức tranh hiện lên ngày một rõ nét hơn: những con đường đất đỏ, những thửa ruộng xanh bạt ngàn dưới chân núi, lác đác mấy ngôi nhà nhỏ xinh xinh,.... Tất cả tạo thành một bức tranh làng quê yên bình đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Cứ bước được vài bước, chúng tớ lại dừng dân, rồi ngoái phía sau lại ngắm cảnh vật xung quanh, rồi lại quay về phía trước và tiếp tục bước đi.

Chư Đăng Ya

Cố lên nào các bạn trẻ

Chư Đăng Ya

Cô gái mạnh mẽ của chúng tớ

Nốt nhạc thứ 3: Từ phía trên đỉnh núi

Chư Đăng Ya

Con đường đất đỏ

Từ trên đỉnh núi, chúng tớ có thể thu vào tầm mắt những mảng màu khác nhau dưới thung lũng. Đó là một “trường xanh” ngút tầm mắt: Xanh đậm của cây cối, xanh non mơn mởn của lúa đang thì con gái, xanh mướt của cỏ dại… Đó là màu xanh, màu đỏ, màu nâu rỉ của mái nhà… Đó là màu của con đường đất đỏ bazan - loại đất đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên… Đó là màu bạc của con sông đang lững lờ trôi phía xa kia. Ôi! còn gì tuyệt vời hơn khi những cảnh vật đó đều thu hết vào tầm mắt của mình. Lúc này, những mệt mỏi trong chúng tớ đều tiêu tan, đứa nào đứa nấy cũng mải mê ngắm cảnh vật xung quanh, nở nụ cười hạnh phúc. Chi ngân nga vài lời hát của ca khúc “Đường đến đỉnh vinh quang” của Trần Lập: Cùng chèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đồi, và ta biết gian nan đang chờ đón… Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi và chúng ta là người chiến thắng. Đúng như lời bài hát, hành trình càng chông gai, càng nhiều khó khăn thì thành quả thu lượm về càng xứng đáng. Và sự thật đã được chứng minh ngay trước mắt những đứa trẻ đam mê xê dịch như bọn tớ!

Chư Đăng Ya

Con sông lững lờ trôi

Nốt nhạc thứ 4: Những cái cây không cô đơn!

Nếu như Đà Lạt nổi tiếng với cây cô đơn ở hồ Suối Vàng, đồi Thiên Phúc Đức thì ở Chư Đăng Ya có những cái cây đứng một mình nhưng không cô đơn. Không cô đơn vì đó là những cái cây che bóng mát cho người nông dân ngay bên những thửa ruộng sườn núi, không cô đơn vì đứng bên cạnh nó là những cái cây nhỏ đang vươn lên cùng nó trong làn sương sớm mai giống như những “người anh em”, người “hàng xóm” thân cận của nhau vậy.

Chư Đăng Ya

Những chiếc ô từ thiên nhiên

Chư Đăng Ya

Những nốt nhạc chấm phá

Phía xa là những thửa ruộng bên sườn đồi xếp đều tăm tắp nhau giống như “khuông nhạc”, còn những cái cây không cô đơn: cây khẳng khiu, cây xanh um tùm, cây cao, cây thấp… giống như những nốt nhạc trên khuông nhạc có sẵn. Tất cả tạo thành một bản nhạc đặc sắc về núi rừng, về cảnh vật thiên nhiên xứ Chư Đăng Ya. Núi lửa như một dấu gạch ngang không chỉ kết nối những cái cây không cô đơn lại với nhau mà còn kết nối tình bạn giữa chúng tớ khăng khít hơn. Còn điều gì tuyệt vời hơn khi có những người bạn cùng chung đam mê, sở thích và luôn sát cánh bên nhau chinh phục những mảnh đất mới, những thử thách mới.

Chư Đăng Ya

Những người bạn đồng hành

Nốt nhạc thứ 5: Giữa “lòng chảo”

Chúng tớ đặt trên ở phía trên miệng núi lửa, dù đã nguội lạnh hàng triệu năm trước nhưng hình dáng của núi lửa vẫn còn được giữ nguyên vẹn - chính là cái hình phễu đặc trưng của miệng núi lửa. Nhờ nền đất bazan đặc trưng, với khí hậu mát mẻ, cây cối trồng quanh năm ở đây đều xanh tốt mà không cần tưới nước. Xung quang miệng núi lửa, người dân Chư Đăng Ya làm rẫy trồng khoai, nhìn những luống khoai xếp thẳng hàng rất đẹp mắt như một tạo tác nghệ thuật từ chính bàn tay con người tạo ra. Bật mí! Nếu các bạn có ý định đến Chư Đăng Ya thì mình khuyên các bạn nên đi vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch - đó là mùa của hoa dã quỳ nở hàng năm. Lúc này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đoá hoa vàng tươi sắc dọc hai bên đường đi. Và từ trên đỉnh núi lửa nhìn xuống, những khóm hoa dã quỳ mọc xen kẽ nhau vòng tròn quanh miệng, sườn núi lửa giống như những dòng nham thạch từ hàng triệu năm trước.

Chư Đăng Ya

Những luống khoai xanh tốt

Chư Đăng Ya

Đỉnh núi lửa

Chư Đăng Ya

Miệng núi lửa

Nốt nhạc thứ 6: Bồ công anh trong gió

Trên đường trekking chúng mình gặp những bông hoa bồ công anh trắng tinh khôi. Loài hoa ấy nhỏ bé, mong manh nhưng tràn đầy sức sống. Hồi nhỏ cứ hay hái hoa bồ công anh, mỗi bông hoa ước một điều ước sau đó thổi đi để những hạt bồ công anh đi theo từng cơn gió mang ước mơ đó về phương trời xa. Lớn lên rồi mới biết, bồ công anh còn là bông hoa mang ý nghĩa cho tình yêu đôi lứa - để tiên đoán xem “yêu” hay “không yêu” trong trò chơi đếm cánh hoa tiên đoán tình yêu. Ngắt một bông hoa bồ công anh, tớ lại chơi lại trò chơi hồi bé là thổi những cánh hoa bay đi xa. Giữa núi rừng sơn cước, bồ công anh như điểm xuyết thêm màu trắng trên tấm thảm xanh khổng lồ.

Chư Đăng Ya

Bồ công anh

Chư Đăng Ya

Thổi ước mơ vào gió

Chư Đăng Ya

Yêu hay không yêu

Nốt nhạc thứ 7: Ngồi hát trên cây

Chúng tớ bắt gặp một cái cây lớn đã bật gốc nằm ngửa trên đường đi, trò chơi tuổi trẻ lại được tái hiện một lần nữa. Những nốt nhạc, những lời ca về tuổi thơ như đang ùa về mà chẳng ai ngờ tới. Cái cây này vẫn còn khá chắc chắn, mỗi đứa chúng tớ ngồi trên một cành nghỉ chân. “Ngày xưa ơi, mãi xa tuổi thơ, xa cánh diều chở bao ước mơ...” vài câu hát từ Chi hát lên thật ý nghĩa là bao. Nếu như bồ công anh đem ước mơ, hoài bão của chúng tớ theo gió thì cái cây này như tái hiện lại trò chơi khi còn ấu thơ nô đùa bên dưới mái trường. Cái cây này còn cho chúng tớ có những bức ảnh cực “so deep” và đẹp nhất trong xuyên suốt chuyến hành trình chinh phục. Nhìn từ xa, toạ độ “sống ảo” đó có vẻ chênh vênh nhưng bạn đừng lo nhé, cái cây nằm ở vị trí rất an toàn nên các bạn yên tâm nhé tạo dáng đó!

Chư Đăng Ya

Đậm chất nghệ sĩ

Chư Đăng Ya

Ngồi trên cây

Chư Đăng Ya

Đứng trên cây

Nốt nhạc cuối cùng: Và rồi núi vọng

Người ta từng nói, đứng ở một nơi thật cao và hét thật to thì núi sẽ vọng lại. Chúng tớ đã đứng ở Chư Đăng Ya và núi lửa đã vọng lại những cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ, những thanh âm trong trẻo của cuộc sống. Những ca khúc của Chi xuyên suốt hành trình vẫn còn văng vẳng bên tai, những tiếng gió rít qua từng chiếc lá, tiếng chim hót líu lo, những thanh âm của núi rừng Tây Nguyên. Tớ sẽ khắc ghi vào trong lòng không bao giờ quên!

Chư Đăng Ya

Chi và tớ trong lòng núi lửa

Chư Đăng Ya

Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ

Cảm ơn Chư Đăng Ya đã rộng vòng tay đón chúng tớ vào lòng, để chúng tớ được đắm mình trong sự hoang sơ và hùng vĩ của cao nguyên đất đỏ bazan, để được trải qua những nốt nhạc thăng trầm của cảm xúc. Tất cả những vẻ đẹp kỳ vĩ, những bản nhạc bất hủ, những âm thanh của xứ Chư Đăng Ya này chúng tớ sẽ khắc ghi và không bao giờ quên.

Tác giả: Vũ Văn Tuyến
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Tags:
chu-dang-ya
du-lich-gia-lai
du-lich-pleiku
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký