0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

30 Jul 2021 - 13 min read

Những điều cần biết về chính sách tiêm vaccine Covid tại Việt Nam

Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đã quá “quen tai” với thông điệp truyền thông 5K + Vaccine của Bộ Y Tế Việt Nam. Ngoài Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế, thì vaccine cũng được coi là “lá chắn thép” giúp đẩy lùi dịch bệnh. Nếu muốn hiểu rõ hơn về chính sách tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam, thì đây chính là bài viết dành cho bạn!

chinh-sach-tiem-vaccine-1

Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid19 để đẩy lùi dịch bệnh.

1. Các loại vaccine được phê duyệt trong chính sách tiêm vắc xin Covid tại Việt Nam

chinh-sach-tiem-vaccine-2

Việt Nam đang sử dụng vaccine Covid nhập từ nước ngoài. (Hình: vnexpress)

Vaccine AstraZeneca sản xuất tại Anh

Vaccine AstraZeneca được nghiên cứu, phát triển bởi Trường Đại học Oxford và Tập đoàn AstraZeneca nổi tiếng của nước Anh. Phác đồ tiêm của vaccine này là 2 liều tiêm tiêu chuẩn, dành cho người đủ 18 tuổi trở lên. Hiệu lực bảo vệ lên tới 89%.

Vaccine AstraZeneca

Vaccine AstraZeneca.

Vaccine AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 119 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vaccine đã sử dụng khoảng 980 triệu liều.
Tại Việt Nam, vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vaccine Vero Cell (Sinopharm) được sản xuất tại Trung Quốc

Vaccine Vero Cell (Sinopharm) được nghiên cứu, sản xuất bởi Beijing Institute of Biological Products của Trung Quốc; được đưa vào chính sách tiêm vaccine Covid của Việt Nam theo tính cấp bách. Loại vaccine này được chứng minh có hiệu lực phòng Covid lên tới 78.2%.

vaccine Vero Cell

Vaccine Vero Cell của Sinopharm.

Vaccine Vero Cell đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng.

Vaccine Comirnaty sản xuất bởi Pfizer/BioNTech

Vaccine Comirnaty là sản phẩm của Tập đoàn dược phẩm Pfizer, New York (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (Đức) hợp tác phát triển. Loại vaccine này được bào chế dưới dạng đậm đặc pha tiêm. Vaccine của Pfizer/BioNTech được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 28/5.

Covid19 Vaccine Pfizer

Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech.

Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 97 quốc gia với khoảng 850 triệu liều đã được sử dụng. Vaccine Comirnaty đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vaccine Moderna do Mỹ sản xuất

Vaccine Moderna (còn có tên khác là Spikevax hay mRNA-1273) là loại vaccine phòng Covid-19 được sản xuất theo công nghệ mới sử dụng vật chất di truyền RNA. Vaccine do công ty Moderna (Công ty công nghệ sinh học của Mỹ) phối hợp với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển. Thử nghiệm đã cho thấy loại vaccine này chứng minh hiệu quả phòng bệnh lên tới 94.1%.

covid19 vaccine moderna

Vaccine Moderna.

Vaccine Moderna đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 63 quốc gia với khoảng 340 triệu liều.
Vaccine này đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vaccine Sputnik V do Nga sản xuất

Vaccine Sputnik V (tên khác là Gam-COVID-Vac) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất được đánh giá có hiệu quả bảo vệ khỏi Covid-19 lên đến 91.6%. Loại vaccine này đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn an toàn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ biến chứng và tử vong gây ra do Sars-Cov-2.

Vaccine Sputnik V

Vaccine Sputnik V.

Vaccine Sputnik V được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vaccine này đã được sử dụng tại 49 quốc gia với tổng số vaccine đã sử dụng khoảng 85 triệu liều.
Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Vaccine Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất

Hai loại vaccine này hiện đã được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong chính sách tiêm vaccine thì đây là một trong số ít loại vaccine sử dụng 1 liều duy nhất. Tuy Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19, nhưng hiện tại Việt Nam chưa tiếp nhận loại vaccine này.

Covid19 Vaccine Janssen

Vaccine Janssen.

Vaccine Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh sản xuất

Vaccine Hayat - Vax được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 loại vaccine này vào ngày 10/9/2021.

Vaccine Abdala do Cuba sản xuất

Loại vaccine này được sản xuất thành phẩm/ bán thành phẩm và đóng gói tại Cuba. Abdala được bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp và được đóng gói mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.

2. Đối tượng tiêm vaccine Covid theo chính sách tiêm vaccine

Ai được tiêm vaccine Covid?

Theo chính sách tiêm vaccine của Việt Nam, đối tượng được tiêm cần đủ 18 tuổi trở lên, chưa từng mắc Covid và cơ thể không bị mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong vaccine. Bên cạnh đó cũng có những đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng như:

Người có tiền sử sốc phản vệ khi tiêm vaccine Covid liều thứ 1; hoặc tiền sử sốc phản vệ tiêm vaccine khác.
Phụ nữ trong thai kỳ hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Người bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng.
Người bệnh cấp tính.
Trong vòng 14 ngày trước đó có điều trị xạ trị, hóa trị hoặc corticoid liều cao.
Trong vòng 90 ngày trước đó có điều trị immunoglobulin; hoặc tiêm huyết tương của người mắc Covid đã điều trị khỏi.
Trong vòng 14 ngày trước đó có tiêm vaccine phòng bệnh khác.
Trong vòng 6 tháng trước đó đã mắc bệnh Covid19.
Những người bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Người suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch.

Đối tượng nào nên cẩn trọng khi tiêm vaccine?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những đối tượng sau đây nên cẩn trọng trước khi quyết định tiêm chủng.

Có bệnh lý nền nặng hoặc đang mắc các bệnh mạn tính nhưng chưa điều trị ổn định.
Cơ thể có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
Những người mất năng lực hành vi dân sự, mất nhận thức.
Người trên 65 tuổi nên thận trọng khi tiêm.

Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid

Số lượng vaccine Covid nhập về Việt Nam còn hạn chế. Nên theo chính sách tiêm vaccine của Bộ Y tế có 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng gồm:

Nhóm cán bộ y tế, làm việc trong ngành y tế hoặc các cơ sở y tế.
Đội ngũ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch Covid.
Lực lượng công an.
Lực lượng quân đội.
Các nhân viên, cán bộ ngoại giao được cử đi nước ngoài; hoặc làm việc trong tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Nhân viên, cán bộ ngành hải quan làm công tác xuất nhập cảnh.
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu như: điện nước, du lịch, vận tải, hàng không.
Giáo viên, học sinh, sinh viên; người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính tiếp xúc nhiều người.
Đối tượng trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
Nhóm người sinh sống trong vùng dịch Covid.
Nhóm người được cơ quan nhà nước cử đi công tác ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người có nhu cầu du học, xuất khẩu lao động.
Nhóm người làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, bán buôn, bán lẻ...
Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;
Nhóm người lao động tự do có nhu cầu tiêm vaccine.
Các đối tượng khác được tiêm vaccine Covid theo quyết định của Bộ Y tế; hoặc theo quyết định của UBND các tỉnh, thành phố.
chinh-sach-tiem-vaccine-3

Tiêm phòng vaccine Covid19 tại Việt Nam (Hình: Bộ Y tế)

3. Những lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vaccine Covid

Lưu ý trước khi tiêm vaccine Covid19

Trước khi tiêm vaccine Covid, bạn cần ăn uống đầy đủ để có thể trạng tốt nhất. Tại buổi tiêm, bạn cần chủ động khai báo về tình trạng sức khỏe của bản thân; loại trừ trường hợp không đáp ứng được điều kiện tiêm chủng. Việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch tại điểm tiêm là bắt buộc. Đặc biệt, bạn không nên uống rượu bia trước khi tiêm vaccine Covid. Mặc áo cộc tay hoặc trang phục phù hợp sẽ giúp nhân viên y tế dễ tiêm ở bắp tay.

Phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine Covid

Trong hướng dẫn thực hiện chính sách tiêm vaccine Covid, Bộ Y tế đã khuyến cáo một số phản ứng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm. Vị trí tiêm có thể bị sưng tấy, đỏ, gây đau hoặc bạn sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh. Để xử lý các phản ứng phụ này, bạn có thể dùng khăn lạnh để đắp lên vùng bắp tay bị đau, không mặc có tay bó sát vì dễ tăng thêm cảm giác đau. Uống thật nhiều nước, ăn nhiều trái cây, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp giảm phản ứng phụ sau tiêm.

Lưu ý sau khi tiêm vaccine Covid19

Bạn cần ở lại điểm tiêm vaccine ít nhất 30 phút sau khi tiêm để kịp thời phát hiện và điều trị nếu sốc phản vệ. Khi về nhà, bạn tiếp tục tự theo dõi trong vòng 24 giờ tiếp theo. Nếu thấy có bất thường bạn nên thông báo tới bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị.

Trong vòng 24 giờ đầu sau tiêm, bạn tuyệt đối không nên uống rượu bia; tránh vận động mạnh hoặc làm việc nặng nhọc. Ngay cả khi đã được tiêm vaccine, bạn vẫn cần thực hiện thông điệp 5K để bảo đảm phòng chống dịch.

4. Đăng ký tiêm vaccine Covid19 ở đâu?

Hiện nay, mọi công dân đều có thể đăng ký tiêm vaccine Covid theo chính sách tiêm vaccine của Việt Nam tại Cổng thông tin tiêm chủng Covid19. Bạn có thể tham khảo thông tin và đăng ký tại https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/register-person hoặc Sổ Sức khoẻ điện tử.

Xem thêm:

Nguồn:

Tags:
chinh-sach-tiem-vaccine
covid-guides-tips
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký