0

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên

04 Aug 2021 - 8 min read

Phân biệt các chỉ thị 15, chỉ thị 16 và chỉ thị 19 của chính phủ

Kể từ khi dịch Covid bùng phát tại Việt Nam, chính phủ luôn có những chỉ thị kịp thời để hướng dẫn người thân phòng chống dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch covid19, chính phủ sẽ đưa ra và yêu cầu các địa phương thực hiện những chỉ thị khác nhau gồm: chỉ thị 15, chỉ thị 16 và chỉ thị 19. Bạn đã biết cách phân biệt các chỉ thị này chưa?

1. Phân biệt các chỉ thị 15, chỉ thị 16 và chỉ thị 19

Cả 3 chỉ thị 15, 16 và 19 đều nhằm mục đích hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách. Bạn có thể phân biệt 3 chỉ thị này căn cứ vào những “keyword” chính như: quy định về việc tập trung đông người; khoảng cách an toàn tối thiểu; hoạt động kinh doanh; hoạt động vận tải. Cụ thể như sau:

các chỉ thị chống dịch của chính phủ

Phân biệt các chỉ thị 15, 16 và 19 của chính phủ. @Nguồn: HCDC

1.1 Chỉ thị 15 của chính phủ

Chỉ thị 15/CT-TTg quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 được chính phủ ban hành ngày 27/3/2020. Trong nội dung chỉ thị có quy định:

Tập trung đông người: Chỉ thị quy định dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 01 phòng. Ngoài công sở, trường học, bệnh viện, người dân không tụ tập từ 10 người trở lên.
Khoảng cách an toàn tối thiểu: Mọi người cần duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m.
Các cơ sở kinh doanh: Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
Hoạt động vận tải: Người dân cần hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Việc vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP. HCM đến nơi khác cũng bị hạn chế.

1.2 Chỉ thị 16 của chính phủ

Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch covid19 được ban hành ngày 31/3/2020. Nội dung chỉ thị quy định rõ như sau:

Tập trung đông người: Chỉ thị yêu cầu cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Người dânkhông được tụ tập quá 02 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
Khoảng cách an toàn tối thiểu: Chỉ thị quy định khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m.
Các cơ sở kinh doanh: Theo chỉ thị này,các cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tạm đình chỉ hoạt động. Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
Hoạt động vận tải: Chỉ thị quy định dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

1.3 Chỉ thị 19 của chính phủ

Chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới được chính phủ ban hành ngày 24/4/2020. Chỉ thị có những điểm quan trọng đáng lưu ý như:

Tập trung đông người: Dừng lễ hội, tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người. Không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
Khoảng cách an toàn tối thiểu: Khoảng cách an toàn tối thiểu được quy định là 1m
Các cơ sở kinh doanh: Chỉ thị cho phép mở cửa trở lại với nhà hàng, quán ăn, khách sạn, xổ số, bán buôn, bán lẻ… Các khu danh lam thắng cảnh, khu di tích, khu thể thao cũng được hoạt động trở lại. Nhưng vẫn đóng cửa khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường.
Hoạt động vận tải: Chỉ thị cho phép xe khách liên tỉnh, nội tỉnh, taxi… được hoạt động trở lại.

2. Khuyến cáo thực hiện 5K và các quy tắc an toàn

Nghiêm túc thực hiện 5K

Ngoài việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng chống dịch bệnh theo 3 chỉ thị nêu trên, người dân vẫn cần thực hiện đúng và đủ thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) và các quy tắc an toàn như hướng dẫn của Bộ Y Tế. Theo đó, bạn nên lưu ý các vấn đề sau:

Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; Đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước khi ăn uống, sau khi ra ngoài, sau khi chạm tay vào các bề mặt tiếp xúc. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Bạn cũng cần giữ vệ sinh, lau dọn nơi ở thường xuyên và để nhà cửa thông thoáng.
Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác .
Không tụ tập đông người.
Khai báo y tế: Thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid19.

Ngoài ra, bạn cần gọi ngay đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở.

tiêm vaccine ngừa covid

Mọi công dân Việt Nam đều nên tiêm chủng nếu có thể.@Shutter Stock

Tiêm chủng khi có thể

Các loại vaccine có thể giúp bạn chống sự lây lan của virus gây bệnh. Đây là cách để bạn bảo vệ những người xung quanh, nhất là những người có nguy cơ cao. Hiện nay, Việt Nam đã nhập một lượng lớn vắc xin covid19 gồm các loại như: Vaccine AstraZeneca sản xuất tại Anh có hiệu lực bảo vệ lên tới 89%; Vaccine Vero-Cell (Sinopharm Bắc Kinh) được sản xuất tại Trung Quốc hiệu lực phòng Covid lên tới 78.2%; Vaccine Moderna hiệu quả 94,1%; Vaccine Sputnik V có hiệu quả bảo vệ lên đến 91.6%; Vaccine Pfizer…

Vào ngày 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi. Bạn có thể truy cập cổng thông tin tiêm chủng https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử (App Store hoặc Google Play) để đăng ký tiêm chủng online.

Không một quốc gia nào an toàn khi cả thế giới chưa an toàn. Không một người Việt Nam nào an toàn khi cả nước chưa an toàn. Chỉ khi tuân thủ 5K và đăng ký tiêm chủng ngay hôm nay thì các chỉ thị giãn cách mới sớm được gỡ bỏ. Và khi đó tất cả chúng ta mới có thể yên tâm tận hưởng những kỳ nghỉ xả hơi đúng nghĩa!

**Nguồn tham khảo: Bộ Y Tế

Xem thêm:

Tags:
covid-guides-tips
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký